Quân Mỹ nóng lòng “tái xuất” tại Philippines

ANTĐ - Philippines và Mỹ chuẩn bị thương lượng nhằm cho phép quân đội Mỹ không chỉ tăng cường mà còn thường xuyên hiện diện tại quốc gia Đông Nam Á này, trong bối cảnh đang diễn ra những căng thẳng ở Biển Đông.

Tàu chiến USS Tortuga của Mỹ trong một lần ghé thăm cảng Subic của Philippines

Chính phủ Philippines đã  báo cáo Quốc hội nước này sẽ sớm khởi động vòng đàm phán với Washington về việc tăng cường sự hiện diện của quân Mỹ tại Philippines. Trong bức thư chung gửi cho Quốc hội Philippines ngày 8-8, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ngoại trưởng nước này cho rằng việc cho phép quân Mỹ “tăng cường hiện diện luân phiên” sẽ giúp Philippines có được “sự phòng thủ tin cậy tối thiểu” để bảo vệ lãnh thổ trong khi phải “vật lộn với công cuộc hiện đại hóa lực lượng quân đội”.

Việc Chính phủ Philippines chính thức thông báo cho Quốc hội về cuộc đàm phán nhằm tăng cường sự hiện diện của quân Mỹ tại nước này đã xác nhận dư luận nổi lên thời gian qua về vấn đề này. Không chỉ Philippines mà cả Mỹ đều muốn tăng cường sự có mặt của quân Mỹ, nhất là về hải quân, tại đảo quốc đang giữ vị trí chiến lược trọng yếu ở Biển Đông, song lại có lực lượng quân đội nói chung, hải quân nói riêng, quá yếu.

Thua sút, chênh lệch quá lớn về lực lượng quân sự nên Philippines tỏ ra thất thế với Trung Quốc xung quanh việc tranh chấp chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Vào những lúc căng thẳng leo thang ở bãi cạn này, Trung Quốc có lúc điều tới đây hơn 60 tàu các loại, một số lượng tàu hoàn toàn áp đảo so với vài ba chiếc tàu của phía Philippines.

Kể từ khi nổi lên vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc, Philippines cũng đã đẩy mạnh việc mua sắm trang bị quốc phòng, đặc biệt là hải quân, song mong muốn có một lực lượng quân sự đủ sức răn đe hoàn toàn nằm ngoài khả năng kinh tế của nước này. Trong bối cảnh đó, Philippines đã đẩy mạnh hợp tác quân sự với Mỹ, một đồng minh lâu nay và hiện đang có nhu cầu tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông để “đảm bảo an toàn và an ninh hàng hải” cũng như thực hiện chiến lược chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á-Thái Bình Dương.

Mỹ từng có 2 căn cứ rất lớn ở Philippines là căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark, song đã hoàn hoàn rút khỏi 2 căn cứ này vào năm 1991 và 1992. Do Hiến pháp hiện hành của Philippines không cho phép nước ngoài thiết lập căn cứ quân sự vĩnh viễn trên lãnh thổ nước này nên tàu chiến cũng như máy bay Mỹ chỉ có thể lưu lại Philippines trong một thời gian nhất định theo Thỏa thuận song phương về lực lượng thăm viếng ký năm 1998. Việc tiến hành đàm phán về “tăng cường hiện diện luân phiên” sẽ cho phép quân đội Mỹ có mặt nhiều hơn và thường xuyên hơn ở Philippines – điều mà cả 2 nước với lợi ích, tính toán của mình đều mong muốn. 

“Bật mí” về điều gọi là “tăng cường hiện diện luân phiên” của quân Mỹ, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia cho biết điều này không có nghĩa là quân đội Mỹ đặt căn cứ cố định và thường trực trên lãnh thổ của Philippines. Song theo ông Cuisia, Manila sẵn sàng cho máy bay chiến đấu và tàu chiến Mỹ sử dụng nhiều hơn các căn cứ quân sự ở Phlippines trên cơ sở tạm thời và luân phiên, qua đó giúp nước này nâng cao khả năng phòng thủ. Đại sứ Cuisia cho biết thêm hai nước hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trước khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino hết nhiệm kỳ vào tháng 6-2016.