Quản lý Uber, Grab như taxi: Đi ngược xu thế

ANTD.VN - Việc Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu đưa Grab và Uber về quản lý như taxi truyền thống đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc sửa đổi quy định tại Nghị định 86/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải lần này là nhằm quản lý hoạt động của Uber, Grab “như một doanh nghiệp taxi hoạt động ở Việt Nam”.

Xóa bỏ đặc thù xe công nghệ

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, hoạt động của Uber, Grab hiện nay bản chất là loại hình taxi ứng dụng công nghệ cao kết nối người dùng với lái xe, chủ hãng. Nếu Uber, Grab nói kinh doanh công nghệ thì Bộ Giao thông - vận tải không quản lý mà phải chuyển qua cho Bộ Công Thương quản lý vì Bộ GTVT chỉ quản lý về hoạt động vận tải.

Người đứng đầu ngành giao thông còn cho rằng, khi xảy ra các sự cố liên quan xe Uber - Grab thì các hãng này cũng cần phải chịu trách nhiệm giống như các hãng taxi về lái xe của mình vậy. “Để lái xe vi phạm mà không truy cứu trách nhiệm, không làm gì được Uber, Grab thì về mặt pháp lý chúng ta chưa ràng buộc được chặt chẽ”, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị xây dựng dự thảo nghị định nhằm đưa Uber - Grab vào khuôn khổ, buộc các hãng này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có sự cố liên quan đến dịch vụ của mình.

Grab, Uber và taxi truyền thống không thể chung một "rọ"

Yêu cầu này của Bộ trưởng Bộ GTVT đã gây ra nhiều tranh cãi, bởi nếu quản lý vận tải công nghệ như taxi truyền thống thì vô tình đã đi ngược lại với xu thế phát triển công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật hiện nay.

Công bằng mà nói, kể từ khi có Uber và Grab tham gia thị trường vận tải thì các doanh nghiệp taxi tại Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi về công nghệ, về thái độ phục vụ cũng như giá cả.

Còn nhớ, khoảng năm 2015, giá xăng dầu trong nước liên tiếp giảm, thậm chí giảm sâu nhưng giá taxi tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… nhất định không giảm. Thời điểm đó, báo chí đã tốn không ít giấy mực nhưng giá cước taxi vẫn không suy chuyển, đặc biệt là các hãng taxi lớn và người tiêu dùng tất nhiên phải chịu thiệt.

Chị Lê Hoài Ngọc ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: “Tôi không thể hiểu được vì sao Bộ GTVT lại muốn quản lý Grab và Uber như taxi truyền thống. Đành rằng phải có cơ chế để quản lý doanh nghiệp tuân thủ quy định, nhưng không có nghĩa là bắt một cái mới phải theo quy định của cái đã cũ, lạc hậu.

Tôi thường xuyên di chuyển bằng taxi công nghệ và thấy rất thuận tiện, văn minh. Còn taxi truyền thống thì rất nhiều điều phiền toái có thể xảy ra, khách dễ bị chặt chém, thái độ phục vụ của lái xe đôi lúc thiếu thiện cảm...”.

Cần tạo ra sân chơi bình đẳng

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận, Uber và Grab là hoạt động vận tải ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), huy động nguồn vốn tư nhân liên kết lại phục vụ khách hàng, ưu điểm là rất công khai, minh bạch khiến người tiêu dùng hài lòng.

“Chúng ta phải tận dụng ưu thế này. Việc vận dụng CNTT là xu hướng tất yếu, tương lai không xa còn phát triển xe ô tô tự lái thì tại sao ta lại cứ “bảo hộ” taxi truyền thống. Nếu taxi truyền thống cứ giữ cách làm như hiện này thì không còn đất mà sống”, ông Lê  Đăng Doanh bày tỏ.

Theo đó, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, Bộ trưởng Bộ GTVT với tư cách là người đứng đầu Bộ GTVT và cũng là đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 thì nên tạo được một sân chơi bình đẳng, đúng nguyên tắc thị trường. Không thể áp đặt tất cả các quy chế  đã dùng cho taxi truyền thống cho taxi công nghệ. Cần có nghiên cứu, xem xét và thảo luận kỹ trước khi vận dụng.

“Phải tiếp thu được thành tựu của KHCN để  tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Nên điều chỉnh luật pháp để phù hợp với xu hướng phát triển của CNTT chứ không nên áp đặt”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.

Hơn nữa, chuyên gia kinh tế này cũng bày tỏ lo ngại trước tư duy “không quản được thì cấm” của các bộ, ngành làm chính sách ở Việt Nam, nhất là trong xu thế hội nhập, mở cửa hiện nay. “Nên nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để làm sao quản lý được Uber và Grab, còn nếu cứ tư duy cấm thì có thể vi phạm cam kết quốc tế mà Việt Nam vừa ký kết.

Chúng ta đã cam kết mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài vào kinh doanh một cách bình đẳng, muốn cấm đoán phải có lý do xác đáng, nếu không sẽ gây hiệu ứng ngược”, ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab tại Việt Nam cũng bày tỏ sự lo ngại về việc Bộ GTVT muốn quản lý Grab như taxi truyền thống. Ông Jerry Lim cho rằng, nhiều người lựa chọn Grab bởi loại hình này tiện lợi, giúp di chuyển nhanh hơn và giá cả cũng minh bạch. Vì vậy, nếu đối tác lái xe của Grab bị ảnh hưởng thì sẽ kéo theo những yếu tố trên khó đạt được, đồng nghĩa đối tượng bị ảnh hưởng cuối cùng sẽ là người sử dụng dịch vụ.