Quản lý, sử dụng hè phố ra sao cho phù hợp với đô thị Hà Nội?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quản lý và sử dụng hè phố ra sao để không rơi vào tình trạng người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường, hàng quán bày bán tràn lan gây mất mỹ quan đô thị và lại không ảnh hưởng đến sinh kế người dân là vấn đề khó khăn đối với các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM…

Quản lý vỉa hè gắn với đảm bảo sinh kế người dân

Tại Hà Nội cũng như các đô thị lớn hiện nay, hè phố không chỉ là nơi dành cho người đi bộ mà còn gắn với các hoạt động kinh tế, xã hội, gắn với sinh kế của người dân. Vì vậy, theo nhận định của Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường, nếu quản lý vỉa hè phố chỉ đảm bảo chức năng giao thông thì chưa đủ.

Do vậy, cần phải quản lý đồng bộ, đầy đủ theo chức năng, phù hợp với yêu cầu sử dụng và sinh hoạt của người dân.

Tại hội thảo một số giải pháp quản lý sử dụng hè phố do Hội Cầu đường Hà Nội tổ chức ngày 28/6, đa phần các chuyên gia giao thông, đô thị đầu ngành trong lĩnh vực đều bày tỏ quan điểm phải có cách ứng xử khác với vỉa hè tại Hà Nội.

Ông Trịnh Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, thời gian qua, UBND quận đã xây dựng và triển khai các kế hoạch đảm bảo trật tự văn minh đô thị trên địa bàn quận. Tuy nhiên, kết quả chưa được bền vững, vẫn còn tình trạng tái phạm, kinh doanh trên vỉa hè, để phương tiện trên vỉa hè…

Vỉa hè dọc tuyến phố Lý Thường Kiệt vẫn bị tái lấn chiếm để kinh doanh gây lộn xộn, mất mỹ quan đô thị

Vỉa hè dọc tuyến phố Lý Thường Kiệt vẫn bị tái lấn chiếm để kinh doanh gây lộn xộn, mất mỹ quan đô thị

Do vậy, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho rằng, cần một giải pháp căn cơ, bền vững lâu dài kết hợp quản lý vỉa hè gắn với an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống người dân.

Hoàn Kiếm thí điểm các tuyến phố được kinh doanh

“Quận Hoàn Kiếm đã tổ chức nghiên cứu Đề án nghiên cứu, đề xuất giải pháp khai thác và phát huy giá trị vỉa hè, đường trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vỉa hè tại một số tuyến phố khác trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”- ông Tùng cho hay.

Theo đó, điểm trọng tâm của Đề án này là quận Hoàn Kiếm phân loại tiêu chí các khu vực tuyến phố khác nhau, bao gồm:

Các tuyến phố kiểu mẫu - gồm 12 tuyến - sẽ không được để phương tiện trên hè phố, không được cấp phép trông giữ phương tiện, phương tiện không được dừng đỗ trái quy định, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán…

Vỉa hè trước cửa khách sạn The Grand 30A Lý Thường Kiệt đang được thí điểm cho thuê

Vỉa hè trước cửa khách sạn The Grand 30A Lý Thường Kiệt đang được thí điểm cho thuê

Tuyến phố cấp độ 1 gồm 20 tuyến phố văn minh đô thị và 5 tuyến phố trọng điểm: xe đạp, xe máy được để trên vỉa hè tại những nơi được cấp phép; không có ô tô dừng đỗ sai quy định; không lấn chiếm vỉa hè kinh doanh.

Tuyến phố cấp độ 2, gồm 64 tuyến: xe đạp, xe máy được để trên hè nhưng phải gọn gàng trong vạch sơn, không có xe dừng đỗ sai quy định; không có các vi phạm lớn về kinh doanh lấn chiếm hè phố, lòng đường…

Các tuyến phố cấp độ 3 gồm các tuyến ngõ ngách còn lại có thể sắp xếp các hộ kinh doanh đảm bảo an sinh cho các hộ nghèo…

Quận Hoàn Kiếm cũng đề xuất thí điểm một số vị trí trên địa bàn quận cho thuê vỉa hè để kinh doanh, trong đó thí điểm 15 vị trí trên 5 tuyến phố trong không gian đi bộ gồm Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Hàng Bài, Nguyễn Xí và Lê Thái Tổ.

Thí điểm 21 vị trí trên 5 tuyến phố ngoài không gian đi bộ gồm Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Lê Phụng Hiểu và Ngô Quyền. Mức thu phí theo quy định của UBND TP Hà Nội, mức thu là 45.000 đồng/m2. Quận Hoàn Kiếm đề xuất thí điểm giai đoạn 1 là 2 năm.

Giai đoạn 2 đề xuất bổ sung thêm tại khu vực phố cổ Hà Nội, một số tuyến phố giáp chợ, không là trục giao thông chính và vỉa hè đủ rộng từ 3m trở lên…Sau thí điểm, quận Hoàn Kiếm sẽ phối hợp với các Sở, ngành đánh giá hiệu quả, báo cáo thành phố để có thể nhân rộng ra toàn địa bàn.

Bên cạnh các giải pháp trên, quận Hoàn Kiếm cũng đề xuất TP cho phép sử dụng các gầm cầu vượt, cầu cạn, đường trên cao để phục vụ giao thông tĩnh; có cơ chế khuyến khích xã hội hóa đầu tư các điểm giao thông tĩnh đáp ứng nhu cầu của nhân dân về lâu dài…

Xác định rõ thế nào là tuyến phố đặc thù?

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng, hoạt động trên hè phố hiện nay diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến trật tự ATGT, trật tự đô thị, văn minh trên địa bàn TP. Do vậy, việc đề ra các giải pháp quản lý và sử dụng hè phố một cách hiệu quả, phục vụ giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là hết sức cần thiết.

Dù vậy, ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển GTVT, Bộ GTVT băn khoăn, hiện nay, Luật Giao thông đường bộ và các Nghị định liên quan quy định, hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Nhưng, quy định của Bộ Xây dựng lại cho phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh buôn bán với một số tuyến phố đặc thù. Tuy vậy, xác định như thế nào là tuyến phố đặc thù lại chưa có cơ sở, dẫn đến mỗi địa phương hiểu một cách khác nhau, làm một cách khác nhau.

Ông Chung cũng bày tỏ băn khoăn, với Đề án của quận Hoàn Kiếm, mức cho thuê vỉa hè để kinh doanh hiện đã lỗi thời, cần sửa đổi lại (mức thu 45.000 đồng/m2 - PV). Thêm vào đó, quản lý vỉa hè hiện cũng chồng chéo, dẫn đến lúng túng trong quản lý và khai thác.

Vì vậy, ông Chung cho rằng, muốn triển khai việc quản lý và khai thác tốt vỉa hè, TP Hà Nội phải ban hành được quy chế quản lý vỉa hè vào mục đích kinh doanh cập nhật theo tình hình mới; xác định rõ tuyến phố đặc thù là như thế nào, mặt hàng nào được kinh doanh theo từng lĩnh vực đặc thù, mục đích sử dụng đồng nhất…

Hà Nội là đô thị đặc biệt, Hoàn Kiếm lại là quận đặc biệt của Thủ đô, vì vậy, trong quy chuẩn áp dụng chung vẫn cần phải có cơ chế riêng đối với từng cấp đô thị thì mới triển khai được. Nếu đô thị Hà Nội cũng như đô thị ở Nam Định, Thái Bình… thì không thể hiện được sự đặc thù.