Quan hệ Nga - Mỹ: Những rào cản khó vượt

ANTD.VN - Chỉ một ngày sau khi Điện Kremlin khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) tại Argentina vẫn diễn ra theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố hủy cuộc gặp này. Quan hệ Mỹ - Nga vốn đã căng thẳng, nay càng gay cấn thêm.

Quan hệ Nga - Mỹ: Những rào cản khó vượt ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) tại Argentina

Phát biểu khi lên đường tới Buenos Aires (Argentina) dự Hội nghị G-20, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nguyên nhân của quyết định trên là do vụ căng thẳng giữa Nga và Ukraine tại eo biển Kerch. Trong một thông cáo, ông Donald Trump nêu rõ: “Xét tình hình các thủy thủ và tàu Ukraine vẫn chưa được phía Nga trao trả, tôi quyết định điều tốt nhất cho tất cả các bên liên quan đó là hủy cuộc gặp theo kế hoạch với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tôi mong đợi một Hội nghị Thượng đỉnh nhiều ý nghĩa ngay khi tình hình này được giải quyết”.

Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014, quan hệ Nga - Mỹ xấu đi nhanh chóng. Chính quyền lúc đó của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Liên minh châu Âu (EU) đã công bố hàng loạt biện pháp trừng phạt đối với các công dân và các thành phần của nền kinh tế Nga. Tổng cộng, Văn phòng Quản lý Tài sản nước ngoài trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã đưa vào danh sách trừng phạt 491 cá nhân và thực thể của Nga vào danh sách cấm.

Chưa dừng ở đó, vài tháng gần đây, mối quan hệ vốn không êm ả này lại càng sóng gió bởi hàng loạt những diễn biến căng thẳng mới. Đầu tiên là việc Washington quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới cáo buộc Mátxcơva đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái tại Anh. Các lệnh trừng phạt này bao gồm việc cấm toàn bộ việc cung cấp cho Nga các thiết bị điện tử và những sản phẩm công nghệ an ninh nhạy cảm.

Tiếp đến là tranh cãi giữa hai bên liên quan đến Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ và Nga ký từ năm 1987. Mỹ liên tục cáo buộc Nga vi phạm INF thông qua việc phát triển hệ thống tên lửa 9M729 - biến thể mặt đất của tên lửa hành trình tầm xa trên biển Kalibr-NK mà giới chức Mỹ cho rằng có thể vượt qua các lá chắn phòng thủ của Mỹ và châu Âu. Mátxcơva cho rằng việc Mỹ đe dọa rút khỏi INF là “bước đi nguy hiểm” và là hành động “đe dọa” của Washington.

Khỏi phải nói các lệnh trừng phạt trên của Mỹ tác động tiêu cực thế nào đến quan hệ Nga - Mỹ, nhất là với kinh tế Nga. Theo các điều tra, cấm vận của Mỹ và phương Tây đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Nga giảm 0,2% về dài hạn vì bị mất đi các cơ hội kinh doanh, cùng với đó là giảm cơ hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng và làm chậm lại quá trình hiện đại hóa. Nó cũng khiến tầng lớp trung lưu của Nga gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội làm giàu. 

Trong bối cảnh đó, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ dự kiến diễn ra bên lề Hội nghị G-20 năm nay tại Argentina được hy vọng sẽ giúp hai bên giải tỏa bớt mâu thuẫn, tháo bỏ các biện pháp trừng phạt về kinh tế. Dư luận thế giới thì trông đợi hai cường quốc hàng đầu này lại có thể bắt tay nhau trong các nỗ lực chung như chống khủng bố, tội phạm có tổ chức, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, ngăn chặn các mối đe dọa trong lĩnh vực an ninh mạng... vì lợi ích sống còn của cả hai nước nói riêng và thế giới nói chung.

Đáng tiếc là vụ đụng độ giữa các tàu hải quân Ukraine và lực lượng biên phòng Nga ở eo biển Kerch vừa qua dẫn đến việc Nga bắt giữ 3 tàu và thủy thủ đoàn của Ukraine đã khiến mọi hy vọng trên đổ vỡ. Trong bối cảnh Nga đang phải đối mặt với khả năng Mỹ sẽ ban hành tiếp lệnh trừng phạt mạnh tay hơn liên quan tới cáo buộc Mátxcơva đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái tại Anh, vụ đụng độ ở eo biển Kerch có thể là lý do để Mỹ và phương Tây áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt khác. Mâu thuẫn liên tiếp sẽ khiến quan hệ Nga - Mỹ chưa thể có tiến triển trong thời gian trước mắt.