Quan hệ châu Âu - Iran có nguy cơ đổ vỡ sau vụ tấn công tại lễ diễu binh

ANTD.VN - Quan hệ giữa Iran với châu Âu, vốn đang trong giai đoạn nhạy cảm, có nguy cơ đổ vỡ khi Iran triệu đại diện các nước Hà Lan, Đan Mạch và Anh sau vụ tấn công tại lễ diễu binh ở thành phố Ahvaz ở tỉnh Khuzestan khiến hàng chục người thiệt mạng.

Quan hệ châu Âu - Iran có nguy cơ đổ vỡ sau vụ tấn công tại lễ diễu binh ảnh 1Cảnh hỗn loạn trong vụ tấn công khủng bố ở Ahvaz

Theo cáo buộc của Tehran, các nước Hà Lan, Đan Mạch, Anh đang hỗ trợ những nhóm đối lập Iran hoạt động ở các nước châu Âu và những kẻ chống đối này chính là tác giả của vụ tấn công tại Ahvaz. Ông Bahram Qasemi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố: “Điều không thể chấp nhận đó là Liên minh châu Âu (EU) không liệt những nhóm này vào danh sách khủng bố với lý do chưa gây ra vụ tấn công nào tại châu Âu”.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức), hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), quan hệ giữa Iran và châu Âu bước vào giai đoạn không suôn sẻ. Dù không phá bỏ thỏa thuận như Mỹ nhưng châu Âu cũng giảm bớt trao đổi kinh tế với Iran bởi không muốn mất lòng Washington.

Với Iran, sự thay đổi thái độ của châu Âu bị coi như hành động phản bội với những cam kết hạt nhân. Theo ông Javad Zarif, Ngoại trưởng Iran, với sự rút lui của Mỹ, kỳ vọng của công chúng Iran vào EU tăng lên nhằm duy trì những thành quả đạt được của thỏa thuận. Vì thế ông cho rằng, sự ủng hộ chính trị của châu Âu là chưa đủ,  EU phải thực hiện “các bước đi thiết thực” để tăng cường quan hệ kinh tế với Iran.

Chưa dừng ở đó, Iran và châu Âu bất đồng sâu sắc về hoạt động của các nhóm đối lập Iran ở châu Âu. Hồi tháng 3-2018, một số cá nhân liên quan tới một nhóm tôn giáo cực đoan đã tấn công Đại sứ quán Iran ở London. Tháng 9-2018, Đại sứ quán Iran tại Thủ đô Athens của Hy Lạp lại bị một nhóm chống Chính phủ Iran tấn công nhằm phản đối chính sách của chính quyền Tehran đối với cộng đồng người Kurd tại Iran.

Tháng 7-2018, quan hệ châu Âu - Iran thực sự nổi sóng khi 6 người bị bắt giữ tại Bỉ, Pháp và Đức, trong đó có một nhà ngoại giao Iran, với cáo buộc có âm mưu đánh bom nhóm người biểu tình do một nhóm đối lập Iran lưu vong tại Pháp tổ chức. Trong khi châu Âu coi các nhóm đó chỉ là lực lượng đối lập ôn hòa, thì Tehran liệt chúng vào thành phần khủng bố đang âm mưu lật đổ chính quyền Iran.

Trở lại vụ tấn công tại lễ diễu binh ở thành phố Ahvaz ở tỉnh Khuzestan, lúc đầu Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Phong trào Quốc gia Ahvaz, một tổ chức đối lập đang tìm kiếm một quốc gia riêng biệt trong tỉnh Khuzestan giàu dầu mỏ ở Iran, tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công. Tuy nhiên, cả hai đều không đưa ra được bằng chứng để chứng minh sự dính líu của mình với vụ tấn công ở Ahvaz. 

Với việc Hà Lan, Đan Mạch và Anh bị cáo buộc có phần trách nhiệm trong vụ tấn công ở thành phố Ahvaz, Tehran đang hướng tầm ngắm đến các nhóm đối lập hoạt động ở châu Âu. Nếu như Iran có hành động trả đũa nhằm vào các nhóm này như trong quá khứ, Tehran có thể rơi vào thế đối đầu với châu Âu vốn không coi các nhóm đối lập trên là khủng bố. 

Chưa biết diễn biến tiếp theo thế nào nhưng thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với nhóm P5+1 và Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng hiện nay giữa châu Âu và Iran.