Quan chức phương Tây đầu tiên mất chức vì cuộc khủng hoảng ở Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngoại trưởng Hà Lan Sigrid Kaag ngày 16-9 đã đệ đơn từ chức lên Nhà vua nước này sau khi bị Quốc hội khiển trách về cách thức xử lý đối với cuộc khủng hoảng sơ tán người khỏi Afghanistan. Đây là quan chức phương Tây đầu tiên mất chức vì những hỗn loạn tại “điểm nóng” Afghanistan.
Ngoại trưởng Hà Lan Sigrid Kaag từ chức để chịu trách nhiệm cho chính sách thiếu hiệu quả của chính phủ về tình hình Afghanistan

Ngoại trưởng Hà Lan Sigrid Kaag từ chức để chịu trách nhiệm cho chính sách thiếu hiệu quả của chính phủ về tình hình Afghanistan

Trước đó, các nghị sĩ Hà Lan đã thông qua một bản kiến nghị chỉ trích chính phủ đã không sơ tán một số người Afghanistan, cũng như bỏ qua những dấu hiệu rõ ràng về việc lực lượng Taliban trở lại nắm quyền tại quốc gia Tây Nam Á này. Hà Lan đã sơ tán khoảng 2.100 người, bao gồm cả công dân Hà Lan và những người Afghanistan hợp lệ, trong những ngày cuối cùng hỗn loạn trước khi Mỹ rút hoàn toàn khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, vẫn có hàng trăm người Afghanistan bị bỏ lại, bất chấp lời kêu gọi của các nhà lập pháp Hà Lan về việc sơ tán họ trước đó vài tháng.

Trong một tuyên bố tại Quốc hội Hà Lan sau cuộc bỏ phiếu của các nghị sỹ với tỷ lệ 72/78 phê phán Ngoại trưởng, bà Kaag thừa nhận chính phủ phản ứng chậm và thiếu mạch lạc trước cảnh báo về đà tiến quân của Taliban. Nhưng bà vẫn bảo vệ các quyết định của mình: “Quốc hội cho rằng chính phủ đã hành động thiếu trách nhiệm và tôi, với tư cách là Bộ trưởng chịu trách nhiệm cuối cùng, chỉ có thể chấp nhận sự phê phán đó bằng cách đệ đơn từ chức. Những nỗ lực của chúng ta ở Afghanistan sẽ tiếp tục mà không có tôi. Tôi tin rằng các nhân viên Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục công việc xuất sắc của họ”.

Bà Kaag là lãnh đạo đảng trung tả D66, hiện đang đàm phán liên minh với Thủ tướng Mark Rutte sau khi giành nhiều ghế thứ hai trong cuộc bầu cử hồi tháng 3 năm nay. Không rõ liệu việc bà từ chức có ảnh hưởng gì đến các cuộc đàm phán đó hay không. Đài truyền hình công cộng Hà Lan (NOS) đưa tin, bà Kaag cho biết sẽ vẫn là lãnh đạo D66 và tiếp tục các cuộc đàm phán liên minh. Nhiều đảng phái chính trị tại Hạ viện Hà Lan bày tỏ sự tôn trọng đối với quyết định từ chức của Ngoại trưởng Sigrid Kaag, nhưng cũng có một số chỉ trích rằng, với tư cách là lãnh đạo của D66, bà có thể sẽ trở lại làm Phó Thủ tướng sau khi nội các được thành lập.

Thủ tướng Mark Rutte cho biết, ông đã đề nghị bà Kaag ở lại giữ ghế Ngoại trưởng nhưng tôn trọng việc bà ra đi. “Đây là một mất mát lớn đối với nội các” - ông Rutte nói. “Bà Sigrid Kaag nhận trách nhiệm về hành động của Hà Lan ở Afghanistan bằng cách ngẩng cao đầu. Rất cảm kích cho sự lựa chọn thuần túy này” - ông Jesse Klaver, lãnh đạo đảng GroenLinks cho biết trên Twitter.

Tuy nhiên, ông Geert Wilders - lãnh đạo đảng PVV lại có phần gay gắt hơn khi cho rằng, sau khi đàm phán lập chính phủ mới, bà Kaag với có thể sẽ là Phó Thủ tướng trước Giáng sinh. “Sẽ không có gì thay đổi bởi vì tầng lớp hèn nhát không dám tổ chức các cuộc bầu cử mới” - ông này bày tỏ. Thực tế, cùng với Ngoại trưởng Sigrid Kaag, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ank Bijleveld cũng bị Quốc hội phê bình vì lý do tương tự, nhưng bà này đã quyết định ở lại mà không từ chức.

Ngoại trưởng Hà Lan từ chức chỉ một ngày sau khi tại Anh, ông Dominic Raab cũng bị điều chuyển từ cương vị Ngoại trưởng sang chức Phó Thủ tướng, bất chấp sức ép từ chức từ đảng đối lập. Việc thay đổi nhân sự này nằm trong khuôn khổ tái tổ chức nội các của Thủ tướng Boris Johnson, nhưng một phần có liên quan đến cách thức ứng phó với tình hình Afghanistan.