‘Quái điểu’ F-22 lần đầu đeo thùng dầu tàng hình dưới cánh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiến đấu cơ F-22 Mỹ lần đầu tiên mang theo thùng dầu phụ với thiết kế tàng hình dưới cánh, nhằm tăng cường khoảng cách tác chiến.

Một tiêm kích tàng hình F-22 đóng tại căn cứ không quân Edwards được nhìn thấy bay gần Cảng Hàng không Vũ trụ Mojave, bang California, Mỹ mang theo thùng dầu phụ với thiết kế tàng hình và cụm cảm biến dưới cánh.

Tiêm kích F-22 mang thùng dầu phụ và khoang chứa cảm biến gắn dưới cánh trong bức ảnh công bố ngày 23/3.
Tiêm kích F-22 mang thùng dầu phụ và khoang chứa cảm biến gắn dưới cánh trong bức ảnh công bố ngày 23/3.

F-22 được đánh giá là một trong những mẫu tiêm kích hiện đại nhất thế giới, song thiết kế tàng hình hạn chế khả năng mang theo nhiên liệu của chúng, khiến mẫu máy bay này có tầm hoạt động rất ngắn. "Khi tới khu vực Thái Bình Dương, vùng hoạt động của F-22 được mở rộng, khiến thùng dầu phụ với thiết kế tàng hình cho tiêm kích này ra đời", biên tập viên Joseph Trevithick và Tyler Rogoway của TWZ cho biết.

Thùng dầu phụ của F-22 có thể chứa hơn 2.200 lít nhiên liệu. Chúng được thiết kế để có thể tách rời khỏi máy bay trong tình huống tác chiến, khôi phục hoàn toàn khả năng tàng hình của phi cơ.

Đồ họa mô phỏng tiêm kích F-22 với thùng dầu có tính năng tàng hình
Đồ họa mô phỏng tiêm kích F-22 với thùng dầu có tính năng tàng hình

Khoang chứa dưới cánh với thiết kế tàng hình của F-22, cho phép mang theo các cảm biến cỡ lớn hoặc hệ thống liên lạc bổ sung, giúp mang lại một số năng lực mới cho tiêm kích. Trong số này, hệ thống tìm kiếm và theo dõi tín hiệu hồng ngoại (IRST) nhiều khả năng sẽ được lắp đặt.

"Việc đánh đổi khả năng tàng hình lấy năng lực của IRST cho thấy hệ thống này trở nên quan trọng thế nào, đặc biệt trong phát hiện các mục tiêu với thiết kế tàng hình ngày càng phổ biến trên thế giới", ông Trevithick và Rogoway nhận định. "Hai tiêm kích F-22 mang theo IRST có thể cải thiện đáng kể khả năng nhận thức tình huống của biên đội 4 máy bay, thậm chí cả đội hình có quy mô lớn hơn".

Tiêm kích tàng hình F-22

Tiêm kích tàng hình F-22

F-22 mang biệt danh Raptor nghĩa là “Chim ăn thịt”, nó có chuyến bay đầu tiên vào năm 1997, chính thức đi vào biên chế năm 2005, và lần thực chiến đầu tiên là nhiệm vụ phá hủy bộ chỉ huy của quân khủng bố IS vào năm 2016.

F-22 Raptor sở hữu những công nghệ đỉnh cao trong lĩnh vực quân sự như: có khả năng tàng hình, có thể bay hành trình với vận tốc siêu âm mà không cần đốt tăng lực động cơ lần 2. F-22 Raptor cũng được trang bị một radar mảng pha chủ động tiên tiến thế hệ mới mạnh nhất thế giới hiện nay.

Tiêm kích tàng hình F-22

Tiêm kích tàng hình F-22

Theo các chuyên gia quân sự, sức mạnh và hiệu năng chiến đấu của một chiếc Raptor có thể cao hơn 4 đến 5 lần máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, nghĩa là một chiếc F-22 Raptor có thể đối đầu và giành thắng lợi trong không chiến với 4 chiếc tiêm kích thế hệ thứ 4 (MiG-29, Su-27, Su-30...) một lúc. Không ít đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật Bản, Israel mong muốn sở hữu loại chiến đấu cơ này, nhưng Washington đều lắc đầu không bán.

Tiêm kích tàng hình F-22 khoe khoang chứa vũ khí
Tiêm kích tàng hình F-22 khoe khoang chứa vũ khí

Sau khi Liên Xô tan rã vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, đã không còn bất kỳ mối đe dọa thực sự lớn nào đối với nước Mỹ vì thế họ không phải cần đến số lượng lớn máy bay F-22.

Không quân Mỹ đang có kế hoạch duy trì hoạt động của F-22 đến những năm 2060 thông qua việc nâng cấp, giúp F-22 có thể mang được các loại tên lửa đất đối không thế hệ mới trong những năm tới.