Premier League "vỗ béo" các đối tác nước ngoài

ANTĐ - Hầu bao rủng rỉnh của Premier League không chỉ mang lại niềm vui cho những người hâm mộ đảo quốc sương mù khi được chứng kiến các ngôi sao hàng đầu thế giới thi đấu ở đây, mà còn là nguồn cảm hứng cho các đội bóng khác tại châu Âu. 

Theo giới chuyên môn, các CLB nước ngoài đang hưởng lợi từ sự giàu có của Premier League, cụ thể là những bản hợp đồng mà giải đấu hàng đầu đảo quốc sương mù thực hiện. Dự báo, “cơ bắp” tài chính của giải Ngoại hạng Anh sẽ không ngừng phình to nhờ thu nhập ngày càng lớn từ hợp đồng bán bản quyền truyền hình, điều cũng là sự khích lệ rất lớn cho các đối tác “làm ăn” của họ.

Các bản hợp đồng lớn mà Premier League thực hiện đều đến từ nước ngoài

Mặc dù vẫn còn rất nhiều loại phí không chính thức, tất cả đều phải thừa nhận 10 bản hợp đồng đắt đỏ nhất trên thị trường chuyển nhượng mùa hè năm nay đều liên quan đến các đội bóng của Anh, 7 trong số đó gia nhập từ các giải VĐQG khác của châu Âu.

Bundesliga là giải đấu hưởng lợi nhất từ sự giàu có của Premier League. Ví dụ điển hình, chỉ riêng 3 đội bóng: VfL Wolfsburg, Hoffenheim và Bayer Leverkusen đã thu được xấp xỉ 100 triệu bảng (153,09 triệu USD) từ các thương vụ bán Kevin de Bruyne (tới Man City), Roberto Firmino (tới Liverpool) và Son Heung-min (tới Tottenham).

Theo phân tích thường niên của tạp chí Deloitte, phí chuyển nhượng đầu tư ra nước ngoài của Premier League đạt 585 triệu bảng trong mùa hè năm nay, tăng 10% so với cách đây 12 tháng.

“Từ lúc giới thiệu về hợp đồng bản quyền truyền hình mới của Premier League mùa giải 2013-2014, chi tiêu của các đội bóng hàng đầu đảo quốc sương mù ra nước ngoài để mua cầu thủ tăng gần gấp đôi”, chuyên gia phân tích tài chính của Deloitte, Alex Thorpe nói trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters.

“Năm 2012, con số này là 300 triệu bảng. Mùa hè năm nay, nó tăng lên 585 triệu bảng. Điều đó cho thấy thu nhập từ bản quyền truyền hình có ý nghĩa quyết định đến tình hình chi tiêu của các đội bóng Premier League đối với thị trường quốc tế. Và nó không chỉ dừng lại ở mức phí chuyển nhượng. Sức mạnh tài chính của các đội bóng đảo quốc sương mù thể hiện bằng các khoản lương, thưởng hấp dẫn để thu hút các cầu thủ nước ngoài”, Thorpe thêm vào.

Với diễn biến hiện nay, Thorpe không thấy bất cứ lý do nào khiến xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Premier League bị giảm sút. Thậm chí, nó sẽ không ngừng tăng nhờ thu nhập từ bản quyền truyền hình (cả trong nước và quốc tế) ngày càng béo bở.

Thống kê của Deloitte cho thấy, các CLB của Premier League chi tiêu khoảng 870 triệu bảng trên thị trường chuyển nhượng mùa hè năm nay (con số khác xấp xỉ 1 tỷ bảng), nhiều gấp đôi so với Serie A của Italia, giải đấu đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng chi tiêu nhiều nhất.