Phớt lờ quy định, hại mình, hại cả người

ANTĐ - Hiện nay trên các tuyến đường, hiện tượng người tham gia giao thông mang ô khi đi xe máy, xe đạp hoặc cho trẻ em đứng trên yên xe… diễn ra khá phổ biến. Điều này không chỉ gây mất an toàn cho bản thân họ mà còn làm tăng nguy cơ xảy tai nạn đối với những người đi đường…

Phớt lờ quy định, hại mình, hại cả người ảnh 1Mang ô, cho trẻ em đứng trên yên xe máy khi đang tham gia giao thông làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn

Thủng mắt vì… mang ô

Gọi điện đến đường dây nóng Báo An ninh Thủ đô, chị Nguyễn Thanh Phương ở ngõ 592 đường Trường Chinh, quận Đống Đa phản ánh, cách đây ít ngày, chị đang điều khiển xe máy trên tuyến đường Trường Chinh - Giải Phóng thì bất ngờ va chạm với 1 phụ nữ đi xe đạp từ trong ngõ lao ra. Chị Phương đã phải phanh gấp do người phụ nữ vừa đi xe đạp vừa cầm chiếc ô bỗng dưng bị lật ngược ra sau do gió khá mạnh nên tay lái loạng choạng, lao vào xe chị. “Rất may tôi đi chậm, đường vắng nên cả hai chỉ bị đổ xe, người trầy xước nhẹ. Tôi không hiểu vì sao vẫn có những người bất cẩn khi tham gia giao thông như vậy” – chị Phương lo lắng. 

Cách đây không lâu, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận một bệnh nhân nam (ở Hải Dương) bị tai nạn khá hi hữu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị cán gương ô tô cắm sâu vào hốc mắt phải. Theo lời kể của bệnh nhân, trên đường đi làm về, do trời mưa nên anh một tay cầm ô, tay còn lại điều khiển xe máy. Do đường trơn, tay lái không vững, chiếc ô lại che mất tầm nhìn khiến anh lao thẳng vào chiếc ô tô đang đỗ ven đường. Cú va chạm khiến chiếc gương chiếu hậu ô tô bật gẫy và cán gương đâm thẳng vào mắt phải nạn nhân.

Phớt lờ quy định, hại mình, hại cả người ảnh 2

Không chỉ người điều khiển xe mà ngay cả những người ngồi sau xe sử dụng ô cũng rất dễ xảy ra tai nạn, đặc biệt khi trời có gió to, chiếc ô sẽ bị lật hoặc xiêu vẹo che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện. Hơn nữa, tại những tuyến đường có mật độ phương tiện giao thông dày đặc, việc mang ô khi đi xe là điều vô cùng nguy hiểm, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, những gọng sắt của chiếc ô có thể va quệt vào những người xung quanh gây thương tích. Khi di chuyển trên đường, ô rất dễ mắc vào các vật ở trên cao như mái che, mái vẩy, cành cây, dây điện… khiến người điều khiển bị mất cân bằng nên rất dễ ngã. Ngoài nguy cơ xảy ra tai nạn, khi trời giông, bão người mang ô còn có nguy cơ bị sét đánh.

Hiện còn xảy ra tình trạng nhiều phụ huynh đèo trẻ nhỏ nhưng để chúng đứng lên yên xe máy, xe đạp điện. Cách đây không lâu, hình ảnh người đàn ông đèo trẻ em nhưng để cháu bé đứng chênh vênh trên yên sau được đưa lên mạng xã hội đã khiến nhiều người dân bức xúc. Bởi trẻ nhỏ thường rất hiếu động, ngay cả khi chúng ngồi sau xe mà không được bảo vệ kỹ lưỡng, nguy cơ xảy tai nạn vẫn khá cao, huống hồ lại đứng vắt vẻo trên yên xe. 

Phớt lờ quy định

Theo Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội, Khoản 4 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ đã nêu rõ: “Người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi sau đây: Mang, vác vật cồng kềnh; Sử dụng ô; Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác; Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái”…

Ngoài ra, Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ quy định: “Phạt tiền từ 60.000-80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Người đang điều khiển xe sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính; người ngồi trên xe sử dụng ô”…

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - Đội CSGT số 1, Phòng CSGT ĐB-ĐS - CATP Hà Nội, thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm do người điều khiển xe máy, xe đạp…sử dụng ô hay cho trẻ nhỏ dưới 14 tuổi ngồi đằng trước, đằng sau nhưng không có người lớn ngồi kèm hoặc đứng trên yên xe. Mặc dù những hành vi trên đã vi phạm các quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 171/2013/NĐ-CP song không ít người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này, nên khi bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe xử lý, họ không những không tuân thủ mà còn… cãi cố. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh, mỗi cá nhân cần chấp hành nghiêm các quy định khi điều khiển xe trên đường, kẻo khi xảy ra tai nạn mới hối hận thì đã quá muộn.