Phòng chống khi dịch sốt virus vào mùa

(ANTĐ) - Theo bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương, bệnh sốt phát ban do virus đang xuất hiện và có chiều hướng gia tăng, gây nguy hiểm không chỉ đối với trẻ em mà cả người lớn, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai.

Phòng chống khi dịch sốt virus vào mùa

(ANTĐ) - Theo bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương, bệnh sốt phát ban do virus đang xuất hiện và có chiều hướng gia tăng, gây nguy hiểm không chỉ đối với trẻ em mà cả người lớn, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai.

Sốt virus là bệnh hay gặp ở trẻ, rất dễ lây qua đường hô hấp với triệu chứng điển hình là trẻ đột ngột sốt cao 39 – 40 độ C, kèm theo ho, chảy mũi, rối loạn tiêu hóa, nổi ban…

Khi gặp các trường hợp trên, các bà mẹ hãy áp dụng những biện pháp sau:

Cặp nhiệt độ: Đặt nhiệt kế ở nách hoặc hậu môn. Nhiệt kế phải được giữ trong nách ít nhất 3 phút, cánh tay của trẻ áp sát vào ngực. Nhiệt độ của trẻ sẽ là số ghi trên nhiệt kế cộng thêm 0,3 – 0,4 độ. Thí dụ nhiệt kế ghi 38 độ C thì thân nhiệt thực sự của trẻ là 38,4 độ C.

Hạ sốt: Bằng nhiều cách như uống thuốc, chườm mát cho trẻ bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, để trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng. Cởi quần áo, bỏ bớt chăn cho trẻ khi đang sốt cao. Lau bằng khăn ướt nước ấm tại các vị trí như trán, hai bên bẹn, dưới hai cánh tay cho trẻ.

Nên thường xuyên theo dõi, cặp nhiệt độ cho trẻ
Nên thường xuyên theo dõi, cặp nhiệt độ cho trẻ


Chống co giật:
Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C thì dùng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao.

Bù nước và điện giải: Nếu trẻ còn bú tiếp tục cho bú nhiều hơn bình thường, và cho uống bù nước ORS (Oresol) theo chỉ dẫn. Trường hợp trẻ không uống được thì dùng bông sạch chấm nước trên vào môi, miệng bé liên tục để niêm mạc môi, miệng hấp thu nước, tránh thiếu nước và chất điện giải.

Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.

Dinh dưỡng: Cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn loãng như cháo, súp, uống nhiều nước, nước lọc, nước hoa quả như cam, chanh…

Phải đưa trẻ đến khám ngay tại trung tâm y tế khi có các dấu hiệu sau: Khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, đặc biệt là trên 39 độ C mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng. Lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục và tăng dần, buồn nôn, nôn khan nhiều lần, sốt kéo dài trên 5 ngày.

Sốt virut là bệnh dễ lây, nhất là trong gia đình và trường học. Do đó, người bị sốt virut nên hạn chế tiếp xúc với người khác, nhất là trẻ em. Khi trẻ bị sốt virut cần cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi hẳn để tránh lây cho trẻ khác, cách ly với trẻ khác và giữ ấm cho trẻ.

Theo các bác sỹ tại đây, sốt phát ban do virus điển hình là rubella không chỉ gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ mà còn rất nguy hiểm với phụ nữ mang thai, khiến trẻ sinh ra bị rubella bẩm sinh với những biến chứng có thể là suốt đời.

Theo họ,  trong thời gian mang thai, các bà mẹ nên đi tiêm phòng vaccine rubella đầy đủ để ngăn ngừa bệnh, ngoài ra biện pháp hữu hiệu nhất để phòng sốt do virus là vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tránh tiếp xúc gần người bệnh, rửa tay thường xuyên, uống nhiều nước  và ăn nhiều hoa quả chứa vitamin C để nâng cao sức đề kháng.

Hà Anh