Philippines hãm "chiếc van" xuất khẩu lao động đi Trung Đông

ANTD.VN - Dù sẽ mất đi nguồn ngoại tệ lớn nhưng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn quyết định cấm người dân nước này đến Kuwait làm việc sau khi có một loạt báo cáo về tình trạng lạm dụng và bóc lột lao động tại quốc gia vùng Vịnh này.

Người lao động Philippines đến Kuwait làm việc 

Phát biểu trước báo giới, ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống cho biết, với chỉ thị của Tổng thống Rodrigo Duterte, Bộ trưởng Lao động Silvestre Bello đã ra lệnh đình chỉ việc đưa người lao động nước này đến Kuwait. Theo ông, chỉ thị của Tổng thống Rodrigo Duterte được đưa ra sau những báo cáo về nhiều trường hợp các nữ lao động Philippines làm việc tại Kuwait tử vong bất thường.

Là một đất nước nhỏ bé với diện tích chỉ vẻn vẹn 17.820km2 nằm trong khu vực Trung Đông, trung tâm vịnh Pesian, nhưng Kuwait là nước xuất khẩu dầu lửa lớn thứ 6 thế giới. Trung bình mỗi năm, Kuwait thu được 63,5 tỷ USD từ xuất khẩu dầu lửa, chiếm tới 95% tổng nguồn thu của Chính phủ nước này. Trong bối cảnh giá dầu lửa lao dốc, những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ như Kuwait đang phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn.

Để đối phó, Kuwait quay sang phát triển các lĩnh vực phi dầu mỏ, khiến nước này trở thành một công trường khổng lồ thu hút rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào đầu tư. Thêm vào đó, nguồn thu dồi dào nên mức sống người dân Kuwait rất cao, các đô thị hào nhoáng mọc lên ngày một nhiều. Tuy nhiên, dân số Kuwait chỉ khoảng 4 triệu người, không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước. Do đó, mỗi năm Kuwait phải tuyển dụng hàng trăm nghìn người lao động nước ngoài. 

Trong khi đó, thiếu việc làm lại đang là vấn đề nóng với Philippines. Mỗi năm, lực lượng lao động của Philippines tăng thêm gần 1 triệu người, khiến chính phủ đau đầu trong việc tìm giải pháp. Xuất khẩu lao động trở thành “chiếc van” an toàn rút xả bớt áp lực trên thị trường lao động. Tính toàn bộ đất nước Philippines, hiện đang có 10% dân số, tức khoảng hơn 9 triệu người, đang làm việc ở nước ngoài với đủ mọi nghề, từ kỹ sư đến lập trình viên, giáo viên dạy tiếng Anh, hầu bàn, giúp việc… 

Lối thoát này đem lại lợi ích kinh tế lớn cho Philippines. Theo con số thống kê, nhiều năm qua, kiều hối của Philippines luôn nằm trong nhóm cao nhất của thế giới, lên đến mức kỷ lục 30 tỷ USD năm 2015, đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. 

Kuwait là một trong những thị trường sử dụng lao động lớn của Philippines, với hơn 170.000 người. Tuy nhiên, những người Philippines làm việc ở Kuwait, nhất là những lao động phổ thông, luôn phải đối mặt với nguy cơ bị ngược đãi, bóc lột. Không ít người rơi vào cảnh phải lao động vất vả nhưng lại thiếu đồ ăn, điều kiện sống khắc nghiệt và mức lương thấp. Nhiều phụ nữ giúp việc bị lạm dụng tình dục. Một số người đã lên tiếng chỉ trích Kuwait về hệ thống sử dụng lao động nước ngoài với tình trạng bóc lột người lao động, ép buộc họ làm việc như nô lệ.

Thậm chí xuất khẩu lao động đã trở thành vấn đề chính trị. Đã xảy ra các cuộc biểu tình của người lao động Philippines phản đối chính sách xuất khẩu lao động của chính phủ. Một số nghị sỹ quốc hội thì yêu cầu Chính phủ Philippines phải xem xét lại các chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động. Ông Angara, quyền Chủ tịch Ủy ban Lao động và nguồn nhân lực của thượng viện Philippines, tuyên bố không muốn Philippines trở thành lò cung cấp lao động cho thế giới.

Hãm “chiếc van” xuất khẩu lao động là giải pháp tình thế với ông Rodrigo Duterte nhằm giảm bớt sức ép về chính trị. Tuy nhiên, nó không thể giải quyết được những vấn đề xã hội nảy sinh từ dòng người lao động Philippines tiếp tục rời đất nước ra đi trong tương lai.