Phiêu lưu không dễ
(ANTĐ) - Cho dù Ngoại trưởng Hillary Clinton ngày 1-3 đã nói “không” khi trả lời câu hỏi “Liệu Mỹ có kế hoạch tấn công quân sự đối với Libya?” song những gì đang diễn ra trên thực tế lại khiến dư luận không khỏi liên tưởng tới một cuộc phiêu lưu quân sự mới.
Quân đội ủng hộ ông Gadhafi tái chiếm thành phố Qasr Bananshir ở phía Đông Nam từ tay người biểu tình chống đối |
Mỹ và Anh đang rất sốt sắng trong việc gây áp lực quân sự lên chính quyền của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi. Điều đó có thể thấy qua những tuyên bố úp mở kiểu “để ngỏ mọi lựa chọn” bên cạnh những cuộc chuyển quân, tăng cường binh lực tới sát lãnh thổ quốc gia Bắc Phi lắm tài nguyên dầu mỏ này.
Quan sát từ kênh Suez cho thấy tàu sân bay USS Enterprise của Mỹ đã đi qua con kênh đào này để tiến vào Địa Trung Hải mà Libya là một quốc gia nằm ven bờ. Cùng lúc đó nhóm tàu đổ bộ USS Kearsarge với một phi đội trực thăng và 2.000 lính thuỷ quân lục chiến cũng đã áp sát vùng biển Libya.
Đồng thời với việc điều binh khiển tướng trên, Mỹ và đồng minh cũng đang muốn thiết lập “vùng cấm bay” trên không phận Libya. Thủ tướng Anh David Cameron công khai tuyên bố London và các đồng minh đang tính tới việc đưa máy bay chiến đấu tuần tra “vùng cấm bay” tại Libya để bắn hạ những máy bay Libya tấn công người biểu tình.
Việc Mỹ và đồng minh muốn thiết lập “vùng cấm bay” tại Libya khiến dư luận nhớ lại việc làm tương tự của họ ở Iraq và Nam Tư trước đây. Thoạt đầu cũng là “vùng cấm bay” song cuối cùng đó lại là chiếc bàn đạp dọn đường cho cuộc chiến tranh diễn ra không lâu sau đó.
Chính vì vậy mà dư luận thế giới đã tỏ ra quan ngại và phản đối ý định thiết lập “vùng cấm bay” để mở đường cho cuộc phiêu lưu quân sự của Mỹ và các đồng minh đối với Libya. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố thẳng việc áp đặt lệnh cấm bay là không cần thiết trong khi Đại sứ Nga tại NATO Dmitry Rogozin nhấn mạnh mọi hành động quân sự từ nước ngoài đối với Libya phải được phép của Hội đồng Bảo an LHQ.
Một số thành viên NATO cũng tỏ ý đơn phương áp đặt “vùng cấm bay” tại Libya khi cho rằng việc thiết lập bất cứ “vùng cấm bay” nào ở Libya cũng cần được LHQ phê chuẩn. Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) và Liên đoàn Arab (AL) đều tuyên bố phản đối mọi hình thức can thiệp quân sự vào Libya.
Ngoài trở ngại lớn nhất là tính pháp lý cho việc đặt “vùng cấm bay” tại Libya thì Mỹ và phương Tây cũng vấp phải những khó khăn về vấn đề hậu cần và chi phí cho chiến dịch này. Sở chỉ huy trung tâm sẽ đặt tại đâu và ai đứng ra trả chi phí cho hoạt động này trong bối cảnh khó khăn tài chính do khủng hoảng đè nặng... là những thách thức cho các bên tham gia.
Tuyên bố “để ngỏ mọi sự lựa chọn” kể cả “giải pháp quân sự” với Libya song tiến hành một cuộc phiêu lưu quân sự với quốc gia Bắc Phi này xem ra không dễ đối với các quốc gia phương Tây.
Hoàng Hà