Phát hiện nhiều casino sai phạm, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an tăng cường kiểm tra đột xuất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an và UBND các tỉnh tăng cường kiểm tra đột xuất các casino, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng phải chấn chỉnh hoạt động.

Cụ thể, trong văn bản gửi Bộ Công an và UBND 17 tỉnh, thành phố, nơi có casino, Bộ Tài chính cho biết, qua kiểm tra định kỳ, đột xuất và thông tin báo chí phản ánh, một số doanh nghiệp kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng có sai phạm về đối tượng được phép vào chơi; cho thuê mặt bằng, cho thuê máy trò chơi, bàn trò chơi để kinh doanh trái quy định của pháp luật.

Do đó, nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng trên địa bàn theo quy định của pháp luật và gửi kết quả kiểm tra về Bộ Tài chính để phối hợp theo dõi, xử lý.

Danh sách UBND các địa phương được Bộ Tài chính gửi văn bản là 17 tỉnh, thành phố đang có casino đang hoạt động, bao gồm: TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Khánh Hoà, Điện Biên, Bình Dương, Bình Thuận, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk; Quảng Ninh, Lâm Đồng, Quảng Nam.

Bộ Tài chính yêu cầu Bộ Công an và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động các casino (Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính yêu cầu Bộ Công an và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động các casino (Ảnh minh họa)

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng có văn bản gửi hơn 60 doanh nghiệp, yêu cầu rà soát, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng.

Trong văn bản, Bộ Tài chính cho biết, sau khi phối hợp với bộ, ngành kiểm tra định kỳ một số điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng, Bộ Tài chính phát hiện, một số điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh.

Cụ thể, thời gian lưu trữ hình ảnh giám sát toàn bộ hoạt động trong điểm kinh doanh không tuân thủ theo quy định tại Nghị định 121/2021/NĐ-CP.

Một số điểm kinh doanh có hiện tượng gây mất trật tự an ninh xã hội (sai phạm liên quan đến đối tượng được phép chơi), vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đề nghị các công ty rà soát, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng đảm bảo tuân thủ đầy đủ, đúng các quy định tại Nghị định 121/2021/NĐ-CP và các văn bản khác có liên quan.

Trong đó, Bộ Tài chính yêu cầu hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng theo đúng giấy phép được cơ quan có thẩm quyền cấp; nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân thuê hoặc cho thuê mặt bằng kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng tại điểm kinh doanh hoặc thuê máy trò chơi, bàn trò chơi để kinh doanh trái quy định của pháp luật.

Các doanh nghiệp phải quản lý chặt chẽ các đối tượng được phép ra, vào theo đúng quy định. Doanh nghiệp có trách nhiệm mở sổ theo dõi hoặc cấp thẻ điện tử để kiểm soát tất cả các đối tượng ra, vào điểm kinh doanh theo quy định.

Đồng thời, phải bố trí các thiết bị điện tử và hệ thống camera để theo dõi, giám sát thường xuyên toàn bộ hoạt động trong điểm kinh doanh 24/24h.

“Các hình ảnh phải được lưu trữ đầy đủ trong thời hạn tối thiểu 180 ngày kể từ ngày ghi hình và đảm bảo hình ảnh rõ nét tại vị trí sau: Khu vực cửa ra, vào điểm kinh doanh; khu vực bố trí các máy trò chơi điện tử có thưởng; khu vực thu ngân, kho quỹ kiểm đếm tiền mặt, đồng tiền quy ước và lưu giữ thiết bị đựng tiền mặt, đồng tiền quy ước” – Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cũng phải bố trí người quản lý, điều hành điểm kinh doanh đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Khi thay đổi người quản lý, doanh nghiệp phải bố trí người quản lý, điều hành đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn và thông báo bằng văn bản tới cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, sở tài chính, cục thuế địa phương.

Các doanh nghiệp cũng phải rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình nội bộ, quy chế quản lý nội bộ, kiểm soát nội bộ, quy chế giải quyết tranh chấp, phương án đảm bảo an ninh trật tự theo đúng quy định pháp luật.

“Công ty chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm quy định của pháp luật hoặc gây mất an toàn, an ninh, trật tự xã hội tại điểm kinh doanh”, Bộ Tài chính yêu cầu.