Pháp cân nhắc biện pháp an ninh “không có vùng cấm” trước biểu tình, bạo lực

ANTD.VN - Nước Pháp đang nỗ lực triển khai các biện pháp nghiêm khắc đối với mọi hành vi bạo lực của lực lượng cảnh sát cũng như công dân nhằm chấm dứt làn sóng biểu tình, bạo loạn và cướp bóc trong những ngày qua sau khi cảnh sát tuần tra nổ súng khiến một thiếu niên 17 tuổi thiệt mạng.
Nước Pháp đang nỗ lực để chấm dứt làn sóng biểu tình bạo lực đốt phá sau vụ cảnh sát bắn chết thiếu niên 17 tuổi vi phạm luật giao thông

Nước Pháp đang nỗ lực để chấm dứt làn sóng biểu tình bạo lực đốt phá sau vụ cảnh sát bắn chết thiếu niên 17 tuổi vi phạm luật giao thông

Triển khai 45.000 cảnh sát để ứng phó

Trong động thái mới nhất thể hiện mức độ nghiêm trọng của làn sóng biểu tình và bạo loạn những ngày qua là việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải hoãn chuyến thăm cấp Nhà nước tới Đức, dự kiến diễn ra vào ngày 2-7, với lý do để ứng phó với tình hình biểu tình bạo lực trong nước. Trước đó, ông Emmanuel Macron cũng buộc phải quyết định kết thúc sớm việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Thủ đô Brussels của Bỉ trong 2 ngày 29 và 30-6 để về nước chủ trì cuộc họp an ninh nhằm ứng phó với cuộc biểu tình, bạo loạn ở trong nước.

Làn sóng biểu tình, bạo loạn, đốt phá hiện nay ở Pháp bùng phát ngay trong đêm 27-6 vừa qua sau vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên 17 tuổi, sau đó được xác định tên là Nahel M., vì không tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát khi tham gia giao thông vào sáng cùng ngày. Nahel M. bị 2 cảnh sát chặn xe ô tô ở thành phố Nanterre thuộc ngoại ô Thủ đô Paris do vi phạm giao thông, một trong hai cảnh sát đã chĩa súng về phía cậu thiếu niên và khi Nahel M. tăng ga bỏ chạy, viên cảnh sát này đã nổ súng. Chiếc xe do Nahel M. chạy thêm được vài chục mét trước khi đâm vào lề đường. Thiếu niên này được cấp cứu tại hiện trường nhưng không qua khỏi do bị đạn bắn trúng vùng ngực.

Phòng công tố Nanterre cho biết, viên cảnh sát nổ súng bắn chết thiếu niên 17 tuổi đã bị bắt với cáo buộc giết người, viên cảnh sát còn lại cũng đã bị thẩm vấn. Cảnh sát trưởng Thủ đô Paris Laurent Nunez thừa nhận, hành động của viên cảnh sát “đặt ra nhiều câu hỏi” dù cho rằng, có khả năng người sĩ quan nổ súng vì cảm thấy bị đe dọa. Tuy nhiên, luật sư của gia đình nạn nhân nhấn mạnh, những hình ảnh trên mạng cho thấy “đây không phải biện pháp tự vệ chính đáng” và cho biết gia đình nạn nhân đã nộp đơn kiện viên sĩ quan “nói dối” khi cho rằng, chiếc xe do Nahel M. điều khiển “cố tình đâm vào nhân viên thực thi công vụ”.

Thành phố Nanterre nằm ở ngoại ô Thủ đô Paris vốn có đa số cư dân thuộc tầng lớp lao động sinh sống. Vụ cảnh sát bắn chết thiếu niên 17 tuổi do không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe ô tô đã làm dấy lên tranh cãi tại không chỉ thành phố này mà khắp nước Pháp về nghiệp vụ của cảnh sát cũng như chỉ trích về hành xử của cảnh sát đối với người dân ở khu vực thu nhập thấp, đặc biệt đối với cộng đồng thiểu số. Bạo loạn đã bùng phát ngay trong tối 27-6 tại Thủ đô Paris và nhiều thành phố khác của Pháp. Tình trạng biểu tình, bạo loạn dữ dội với các hành vi quá khích đập phá, đốt và cướp phá các cửa hàng cửa hiệu, phương tiện giao thông diễn ra ở Paris cũng như nhiều thành phố khác như Lyon, Grenoble, Marseille, Strasbourg… Nhằm hạn chế tình trạng bạo lực, giới chức Pháp cấm bán pháo hoa cỡ lớn và dung dịch dễ cháy. Các dịch vụ xe điện và xe buýt trên toàn nước Pháp dừng hoạt động từ 21h đến sáng hôm sau.

Tại thành phố Marseille, nơi diễn ra những vụ đụng độ và cướp bóc, mọi phương tiện giao thông công cộng dừng hoạt động từ 18h đến sáng hôm sau, trong đó bao gồm cả tàu điện ngầm. Thị trưởng thành phố L’Hay-les-Roses thuộc ngoại ô Paris, ông Vincent Jeanbrun, ngày 2-7 cho biết, những đối tượng gây bạo loạn ở Pháp đã điều khiển ô tô đâm vào nhà của ông, khiến vợ và một trong những người con của ông bị thương. Để ổn định tình hình, Pháp đã triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp cùng 45.000 cảnh sát và một số xe bọc thép, các đơn vị cảnh sát tinh nhuệ cùng các lực lượng an ninh khác trên khắp nước, trong đó chú trọng tại Thủ đô Paris và những thành phố diễn ra tình trạng biểu tình, bạo loạn dữ dội. Biểu tình bạo lực đã khiến hàng trăm người, gồm cả người biểu tình và cảnh sát bị thương. Sau 5 đêm biểu tình bạo lực, từ đêm 27-6 đến đêm 1-7, cảnh sát đã bắt giữ hơn 2.000 người biểu tình quá khích, trong đó riêng đêm 1-7 đã bắt giữ hơn 700 người.

Áp dụng mọi biện pháp để sớm ổn định tình tình

Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp đã được triển khai nhằm chấm dứt các hành vi bạo lực, với cả người biểu tình quá khích và cảnh sát, làn sóng biểu tình, bạo loạn vẫn chưa lắng dịu tại Pháp. Điều này đã khiến Tổng thống Emmanuel Macron phải cắt ngắn chuyến công du dự Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Bỉ cũng như hoãn chuyến thăm chính thức Đức để ở nhà ứng phó với tình hình khẩn cấp do biểu tình bạo lực. Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng, sự việc (cảnh sát bắn chết thiếu niên vi phạm giao thông) đã làm chấn động cả nước, không thể biện minh và cũng không thể tha thứ. Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đăng Twitter kêu gọi mọi người cùng bình tĩnh, kiềm chế cơn phẫn nộ để tìm ra sự thật.

Trước vụ thiếu niên Nahel M., nước Pháp đã ghi nhận 13 trường hợp bị bắn chết sau khi từ chối dừng xe tại trạm kiểm soát giao thông, trong đó có 5 cảnh sát đã bị truy tố. Các nhà nghiên cứu cho rằng, cảnh sát Pháp có xu hướng nổ súng nhiều hơn sau đạo luật sửa đổi năm 2017, nới lỏng quy định về các trường hợp được sử dụng vũ khí. Làn sóng biểu tình bạo loạn sau vụ thiếu niên Nahel M. bị bắn chết làm trỗi dậy nỗi ám ảnh tái diễn các cuộc bạo loạn hồi năm 2005 liên quan cái chết của hai thiếu niên gốc Phi sau cuộc rượt đuổi của cảnh sát. Năm đó, khoảng 6.000 người biểu tình quá khích đã bị bắt với cáo buộc có hành vi bạo loạn. “Hiện tồn tại tất cả yếu tố dẫn đến một cuộc bạo loạn khác” - một cố vấn Chính phủ Pháp yêu cầu giấu tên cho biết.

Vụ thiếu niên 17 tuổi bị bắn chết do không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe ô tô đã thêm một lần nữa làm nóng trở lại tranh cãi về tình trạng cảnh sát phân biệt đối xử với người sống tại các khu ngoại thành, vốn có thu nhập thấp và đa sắc tộc. Còn nhớ, vào năm 2005, hai thiếu niên khi bị cảnh sát truy đuổi đã phải chạy trốn vào một trạm biến áp điện và bị điện giật chết. Cái chết bi thảm và phi lý của 2 thiếu niên gốc Phi khi đó đã gây chia rẽ xã hội Pháp trong các quan điểm phân biệt chủng tộc. Đây vốn là một vấn đề đã nảy sinh nhiều năm qua tại Pháp do tình trạng di cư không kiểm soát được. Pháp là một trong những quốc gia phải đối mặt với những vấn đề di cư nghiêm trọng nhất ở châu Âu. Nhiều vụ va chạm, đụng độ đã diễn ra giữa lực lượng cảnh sát Pháp với những người di cư.

Ngoài vấn đề người di cư và sắc tộc, theo giới chức Pháp, mạng xã hội cũng là một nguyên nhân khiến làn sóng biểu tình bạo lực hiện nay ở nước này thêm trầm trọng. Ngoài ra, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố, các mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, là nguyên nhân sâu xa khiến bạo lực leo thang. Người đứng đầu nước Pháp đã trực tiếp yêu cầu giải quyết các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, yêu cầu xóa các “nội dung nhạy cảm” và kiểm tra nhiều hơn về bản chất của nội dung được xuất bản. Mạng xã hội Twitter ngay sau đó đã bắt đầu chặn các tài khoản người dùng ở Pháp đã đăng hình ảnh và video về các cuộc biểu tình bạo lực, một biện pháp thậm chí còn ảnh hưởng đến các tài khoản có chủ sở hữu ở bên ngoài nước Pháp và do đó không phạm tội hình sự theo luật truyền thông của Pháp. Chính quyền Pháp đã tính tới biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm chấm dứt làn sóng biểu tình, bạo lực. Thủ tướng Elisabeth Borne dù không khẳng định cụ thể về việc ban bố tình trạng khẩn cấp khi trả lời báo giới, song nhấn mạnh Chính phủ “đang xem xét tất cả các đường hướng với ưu tiên lập lại trật tự trên toàn quốc”. Một trợ lý của Thủ tướng Pháp cho biết, Chính phủ sẵn sàng áp dụng các biện pháp an ninh “không có vùng cấm” để sớm ổn định tình hình.