Phản đối Hiến pháp mới khiến bạo lực bùng phát và lan rộng ở Nepal

ANTĐ - Các vụ đụng độ với cảnh sát đã bùng phát khi người biểu tình ở Nepal cố gắng xóa bỏ một trạm kiểm soát then chốt ở biên giới với Ấn Độ và nỗ lực chấm dứt cuộc phong tỏa đã làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ với nước láng giềng.

Được biết, Nepal đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhiên liệu trầm trọng trong hơn một tháng kể từ khi người biểu tình ở các vùng đất thấp phía nam tức giận phản đối hiến pháp mới vì nó không đem lại lợi ích cho họ, dẫn đến bùng phát các hoạt động biểu tình, ngăn chặn xe tải cung cấp dầu, nhập từ Ấn Độ.

Hãng tin Reuters cho biết, cảnh sát đã xịt hơi cay và dùng dùi cui tấn công dòng người biểu tình trên một cây cầu "Hữu nghị" bắc qua biên giới, nối với tuyến đường cung cấp chính cho thủ đô Kathmandu của Nepal.

Người đứng đầu nhóm biểu tình cho biết, họ đã tái chiếm được cây cầu nhưng đã có 5 người trong số họ bị thương trong vụ đụng độ. Ngược lại, đại diện của cảnh sát là ông Chetab Raj cho biết rằng, không có ai bị thương trong vụ việc, nhưng 5 người đã bị bắt.

Ông Purushottam Jha, lãnh đạo địa phương của một đảng chính trị đại diện cho người thiểu số Madhesis ở miền nam Nepal khẳng định, lúc đó có hàng ngàn người Nepal ở trên cầu và cảnh sát đã dùng hơi cay và bắn súng chỉ thiên.

Biểu tình ở Nepal đang bùng phát thành bạo lực và lan rộng sang các lĩnh vực khác

Cảnh sát cho biết, 219 xe bồn rỗng đã được giải tỏa để quay trở về Ấn Độ, nhưng không có xe nào về được Nepal từ bên kia biên giới.

Được biết, Hiến pháp mới của Nepal đã được thông qua hôm 20-9, mở đường cho việc thành lập một chính phủ mới, do Thủ tướng KP Oli - người cho đến nay đã thất bại trong việc xoa dịu những bức xúc của nhân dân, đã làm tê liệt đời sống kinh tế và chính trị của đất nước.

Bắt đầu từ tháng 8 vừa qua, khi Hiến pháp mới còn đang xây dựng, các cuộc biểu tình phản đối đã bùng phát. Ở đồng bằng phía nam, cư dân đã phản đối khi nhìn thấy đất đai của họ bị chia cắt và giao cho một vài cơ quan chính quyền bang, do các cộng đồng người miền núi thống trị.

Những cuộc biểu tình ôn hòa ban đầu đã dần dần leo thang và lan rộng sang các lĩnh vực khác, biến thành các vụ xung đột bạo lực khiến cho hơn 40 người chết. Cho đến nay, dường như chính quyền Nepal vẫn chưa có biện pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.