Bầu cử Quốc hội tại Israel

Ông Netanyahu thắng cử và hòa bình ở Trung Đông bị đe dọa

ANTĐ - Kết quả chính thức cho thấy với 99% số phiếu được kiểm vào sáng 18-3, Đảng Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã giành chiến thắng rõ ràng trong cuộc bầu cử Quốc hội Israel diễn ra hôm 17-3. 

Theo kết quả kiểm phiếu, Đảng Likud đã giành được 29 ghế tại Quốc hội, dành quyền thành lập Chính phủ. Tuy nhiên, việc thành lập Chính phủ sẽ vẫn phụ thuộc vào các cuộc đàm phán liên minh giữa các chính đảng khác của nước này. Trong diễn biến khác, 5 người Israel đã bị thương  trong các vụ tấn công ở các khu vực Jerusalem, Gush Etzion và Bờ Tây đúng vào ngày diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khóa 20 ở nước này.

Theo các nhân chứng, một kẻ đi xe mô tô đã nã đạn vào một trạm kiểm soát bảo vệ biên giới ở gần Trại tị nạn Kalandia ở phía Bắc Jerusalem và đã tẩu thoát. Trước đó, Tổ chức tù nhân Palestine (PPS) ngày 16-3 cho biết các lực lượng Israel đã bắt giữ 23 thường dân Palestine trong các cuộc bố ráp đêm 15-3 ở khu vực Bờ Tây và 7 trẻ vị thành niên ở Đông Jerusalem. Ngoài ra, các lực lượng an ninh Israel còn bắt giữ thêm 5 người Palestine ở các làng Zawata, Qaryut và Beit Iba thuộc khu vực Nablus vào rạng sáng  16-3. Chiến thắng của đảng Likud được cho là sẽ làm tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine  tiếp tục khó khăn. Trước cuộc bầu cử quốc hội,  Thủ tướng Netanyahu đã liên tiếp bác bỏ đề xuất đàm phán thành lập Nhà nước Palestine. Ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu, một không khí lo ngại cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông lan ra khắp thế giới. 

Ông Netanyahu thắng cử và hòa bình ở Trung Đông bị đe dọa ảnh 1

Tiến trình hòa bình Trung Đông bị đe dọa

Ngay trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, ngày 16-3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố công khai, nếu ông đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 17-3: “Sẽ không có Nhà nước Palestine nữa...”. Trước đó, ngày 8-3, Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu cho rằng giải pháp hai Nhà nước với người Palestine, đã không còn phù hợp với tình hình khu vực hiện nay. Ngày 7-2, ông Netanyahu đã ra lệnh phá hủy khoảng 400 ngôi nhà của người Palestine vừa mới được xây dựng ở Bờ Tây với sự tài trợ của các nước EU. 

Nói cho chính xác, quan hệ Palestine và Israel trở nên xấu đi kể từ cuộc xung đột quân sự tại Gaza hồi tháng 7 năm ngoái và tiếp đó là việc Palestine đệ đơn xin tham gia các công ước và tổ chức quốc tế, bao gồm cả ICC, mở đường cho các biện pháp pháp lý chống lại Nhà nước Do Thái. Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine do Mỹ bảo trợ đã bị trì hoãn gần một năm sau những bất đồng sâu sắc về các vấn đề như ngừng xây dựng khu định cư của Israel tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine.

Ngày 5-3 vừa qua, Hội đồng Trung ương của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã ra quyết định chấm dứt hợp tác an ninh với Israel, động thái được cho là nhằm trả đũa việc chính quyền Tel Aviv phong tỏa 127 triệu USD tiền thuế thu hộ của Chính quyền Palestine (PA). Ngày 9-3, Bộ Ngoại giao Palestine khẳng định Thủ tướng Netanyahu đã hủy hoại các nỗ lực của quốc tế và Mỹ để các cuộc đàm phán có thể đạt được thành công: “Mục đích của chính quyền Netanyahu là cho phép chiếm đóng, mở rộng khu nhà tái định cư và Do Thái hóa các vùng lãnh thổ của người Palestine thông qua việc Israel hoàn toàn kiểm soát an ninh”. Theo AFP, ngày 19-3, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas cho rằng giải pháp hai Nhà nước cho cuộc xung đột Trung Đông sẽ là điều không thể với một Chính phủ Israel do Thủ tướng Benjamin Netanyahu đứng đầu.

Ông nói: “Các thông cáo của ông Netanyahu phản đối giải pháp hai Nhà nước và chống lại Nhà nước Palestine là bằng chứng, nếu đúng, cho thấy Chính phủ Israel (tương lai) sẽ không nghiêm túc trong trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị để thành lập hai Nhà nước”.

Nhưng Thủ tướng B.Netanyahu là một con người cứng rắn, quan điểm của ông rõ ràng. Ông Netanyahu đã tuyên bố “sẽ không có Nhà nước Palestine” nếu ông được bầu lại làm Thủ tướng nhiệm kỳ tiếp theo, đồng thời nhấn mạnh đến tính “toàn vẹn” của thánh địa Jerusalem, tiếp tục xây dựng các khu định cư cũng như tập trung đảm bảo an ninh cho nhà nước Do Thái, vốn là những hành động bị phía Palestine phản đối dữ dội và là những hành vi được coi là ngăn cản, thậm chí là phá hoại tiến trình hòa bình Trung Đông. Sự lo ngại của dư luận thế giới là có căn cứ. 

Ông Netanyahu thắng cử và hòa bình ở Trung Đông bị đe dọa ảnh 2

Nhưng hòa bình vẫn còn ở phía trước

Không chỉ nhân dân thế giới, người dân Israel cũng đang cháy bỏng ước mơ hòa bình. Ngay trước thềm cuộc bầu cử mang ý nghĩa quyết định này, hàng vạn người Israel đã xuống đường biểu tình phản đối Chính phủ của Thủ tướng B.Netanyahu với khẩu hiệu “Israel muốn thay đổi”. Làn gió ôn hòa thổi vào không gian cực hữu mà vị Thủ tướng đương nhiệm ra sức tạo dựng tại quốc gia Do Thái dù chưa đủ để đảo ngược sinh mệnh chính trị của ông, nhưng là dấu hiệu rõ ràng phản ánh một sự dịch chuyển về tư tưởng trong xã hội. Dường như không phải người dân nào cũng tin rằng việc tiếp tục lấy đất đai của người Palestine để xây các khu định cư cho người Do Thái hay việc theo đuổi một quan hệ thù địch với các quốc gia Arab lân cận… là cách thức tốt nhất để bảo đảm an ninh cho người Israel. Ngược lại, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng chính ông B.Netanyahu là người phải chịu trách nhiệm cho sự đổ vỡ của tiến trình hòa bình Trung Đông mà Mỹ đã mất rất nhiều công sức để nối lại. 

Ngay sau cuộc bầu cử, Thủ tướng Anh David Cameron đã gửi lời chúc mừng nhưng nhấn mạnh rằng ông muốn nhìn thấy hòa bình và giải pháp hai Nhà nước Israel - Palestine. Trong khi đó, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hiệp quốc đã thúc giục lãnh đạo này tiếp tục bàn về giải pháp cho vấn đề Palestine khi mà lời tuyên bố từ bỏ tiến trình hòa bình Trung Đông của ông Netanyahu dẫn đến áp lực gia tăng từ phương Tây. Farhan Haq, phát ngôn viên Liên hiệp quốc, kêu gọi Chính phủ mới của Israel tham gia hòa đàm để dẫn đến việc thành lập một Nhà nước Palestine. Cao ủy đối ngoại EU Federica Mogherini cũng thúc giục ông tái khởi động tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói rằng: “Chính sách của Mỹ trong 20 năm qua là theo đuổi một giải pháp nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Israel - Palestine”. Người này nói thêm Mỹ sẽ “đánh giá lại cách tiếp cận” trước tuyên bố của ông Netanyahu - sẽ không có nhà nước Palestine nếu ông tái đắc cử. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho hay ông sẽ làm việc với bất kỳ Chính phủ nào của Israel miễn là họ chấp nhập giải pháp hai Nhà nước.

Với vai trò là người bảo trợ lớn nhất cho Israel, nước mỗi năm viện trợ nhiều tỷ USD để Israel duy trì sức mạnh quân sự trước các nước khu vực Trung Đông, vai trò của Mỹ, cũng như các nước phương Tây vô cùng quan trọng với tiến trình hòa bình Trung Đông. Daniel Levy, chuyên gia người Israel về Trung Đông tại Hội đồng châu Âu về các quan hệ quốc tế (European Council on Foreign Relations) dự đoán, Phương Tây sẽ không có lựa chọn nào khác là buộc phải làm việc với tân Chính phủ tương lai của Thủ tướng Đảng Bảo thủ Israel, với lập trường hết sức cứng rắn “nếu các vị không làm việc với tôi, theo các điều kiện của tôi, thì tương lai sẽ là bạo lực, và điều này sẽ tồi tệ cho tất cả”. Giáo sư chính trị học Pháp Jean-Pierre Filiu, Viện Khoa học Chính trị Paris,  tác giả cuốn “Lịch sử Gaza” cảnh báo: “Hoặc Hoa Kỳ và châu Âu can dự với một kế hoạch, một quyêt tâm, hoặc chúng ta đang tiến đến gần một cuộc chiến mới tại dải Gaza, có thể trong những tháng tới”. Đã đến lúc Mỹ phải cho thấy vai trò thật sự của mình.