Ông Musharraf ngồi trên “ghế nóng”

(ANTĐ) - Cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf nhiều khả năng sẽ bị truy tố trong cái chết của bà Benazir Bhutto. Các luật sư cho biết, mặc dù Cơ quan điều tra liên bang Pakistan (FIA) mới đưa ra bản cáo buộc tạm thời của vụ án trước toà án chống khủng bố nhưng cơ quan này tin rằng ông Musharraf liên quan đến vụ ám sát.

Về cái chết của cố Thủ tướng Benazir Bhutto:

Ông Musharraf ngồi trên “ghế nóng”

(ANTĐ) - Cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf nhiều khả năng sẽ bị truy tố trong cái chết của bà Benazir Bhutto. Các luật sư cho biết, mặc dù Cơ quan điều tra liên bang Pakistan (FIA) mới đưa ra bản cáo buộc tạm thời của vụ án trước toà án chống khủng bố nhưng cơ quan này tin rằng ông Musharraf liên quan đến vụ ám sát.

Sau gần 4 năm, vụ ám sát bà Buhtto hé lộ nhiều tình tiết mới
Sau gần 4 năm, vụ ám sát bà Buhtto hé lộ nhiều tình tiết mới

Bà Benazir Bhutto đã thiệt mạng trong vụ tấn công bằng súng và đánh bom liều chết khi đang vận động tranh cử tại thành phố Rawalpindi ngày 27-12-2007. Hiện toà án chống khủng bố ở Rawalpindi đang tiến hành xét xử phiên toà 5 đối tượng tình nghi bị cáo buộc lên kế hoạch và thực hiện vụ ám sát này.

Ông Musharraf lãnh đạo Pakistan từ năm 1999-2008. Từ tháng 4-2009, ông tới Anh sống lưu vong và thành lập một đảng mới, từng tuyên bố dự định trở lại Pakistan trước cuộc tổng tuyển cử tới vào năm 2013. Trước đó, hôm 7-2, các nhà điều tra hàng đầu của Pakistan đã đề nghị toà trên tuyên bố ông Musharraf là kẻ lẩn tránh pháp luật trong vụ ám sát cựu thủ tướng Benazir Bhutto. Công tố viên Chaudhry Zulfiqar thuộc FIA đòi toà án phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn đối với cựu tổng thống Musharraf nếu ông tiếp tục không hợp tác với nhà điều tra. Ngày 12-2, Toà án Chống khủng bố ở thành phố Rawalpindi, Pakistan đã phát lệnh bắt giữ cựu tổng thống Pakistan Pervez Musharraf vì bị cáo buộc liên quan đến vụ ám sát bà Bhutto.

Theo công tố viên Chaudhry Zulfiqar, ông Musharraf đã trực tiếp chỉ đạo 2 sĩ quan cảnh sát, Saud Aziz và Khurram Shahzad, chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh cho bà Bhutto vào ngày xảy ra vụ ám sát. Toà án cũng bác bỏ đơn xin tại ngoại của 2 sĩ quan cảnh sát này do họ bị cáo buộc bí mật thay đổi kế hoạch bảo vệ bà Bhutto, xoá hiện trường và huỷ hoại bằng chứng. Các luật sư cho biết, ông Musharraf đang phải đối mặt với nhiều bất lợi sau khi ông Aziz nói với cảnh sát rằng kế hoạch an ninh bị thay đổi theo lệnh của ông Musharraf.

Hãng Tân hoa xã cho biết, 2 trợ lý thân cận của ông Musharraf đã đồng ý làm chứng chống lại ông này. Trong khi đó, theo kết luận của cơ quan pháp y, trong chiếc điện thoại của bà Bhutto mới được phát hiện gần đây cho thấy, ông Musharraf đã gửi một tin nhắn đe dọa bà Bhutto và tin nhắn đó đã được chuyển tiếp cho người bạn của bà là Mark Seigel - phóng viên một tòa báo có trụ sở tại Washington.

Sau này, chính quyền của ông Mushafaf đã đổ lỗi, cáo buộc lãnh đạo Taliban Baitullah Medsud đứng đằng sau vụ ám sát bà Bhutto nhưng sau đó, tất cả những cáo buộc này đều bị bác bỏ. Một ủy ban của Liên hợp quốc điều tra vụ ám sát bà Bhutto theo yêu cầu của Đảng Nhân dân Pakistan của bà Bhutto cũng đưa ra kết luận rằng, ông Musharraf đã không có các biện pháp an ninh thỏa đáng để bảo vệ bà Bhutto.

Phát biểu với Tân Hoa xã, ông Riasat Ali Azad, luật sư đồng thời là chuyên gia tội phạm cho rằng, Luật chống khủng bố là một luật đặc biệt được phép diễn ra đơn phương và kết tội vắng mặt bị cáo, tuy nhiên, tòa án tối cao đưa ra quyết định rằng, việc xét xử vắng mặt bị cáo sẽ không thể hiện được hết công lý, do đó, ông Musharraf sẽ phải có mặt trong phiên xét xử.

Trong khi đó, người phát ngôn của ông Musharraf ở Pakistan, ông  Muhammad Ali Saif  đã nói rằng, những kết luận của FIA là động cơ chính trị và nó nhắm che giấu nguyên nhân thực sự trong  vụ ám sát bà Bhutto. Lần đầu tiên phản ứng trước lệnh bắt giữ, ông Musharraf trong trang Facebook của mình cũng đã bác bỏ mọi cáo buộc trên.

Tuyên Hà

(Tổng hợp)