Ôi! Xe máy muôn năm

(ANTĐ) - “Hỉ-nộ-ái-ố” quanh việc đi làm bằng ôtô rồi sung sướng được quay về xài xe máy - tự sự của một công chức Hà Nội.

Cảm giác “yomost” với chiếc “xế hộp” đầu đời

15 năm sau khi rời ghế giảng đường, lần đầu tiên trong đời tôi được sở hữu một chiếc “xế hộp”, dù là xe lướt. Đó là chiếc Honda Civic liên doanh sản xuất năm 2009, anh bạn lên đời xe nhượng lại cho với giá “kẹo mềm”. May mắn hơn, anh này còn đồng ý cho tôi trả chậm gần ¼ tổng giá trị chiếc xe- đối với một gia đình mà cả 2 vợ chồng đều làm công chức nhà nước như gia đình tôi- đó thực sự là điều có ý nghĩa.

Ngày đầu tiên, lái chiếc xế hộp về đến hầm chung cư nơi gia đình tôi ở, tôi không mở cửa ra ngoài ngay mà ngồi yên trên ghế lái, ngắm nghĩa nội thất chiếc xe, nghe một bản nhạc du dương, tận hưởng cái cảm giác “rất yomost”: thôi nhé, thế là từ nay giã biệt những bụi bặm, nắng nóng hay mưa phùn, gió bấc; cũng xin “bye bye” luôn mớ khẩu trang cáu bẩn với cái mũ bảo hiểm to như nồi cơm điện, trời hè nóng hầm hập 37 độ C vẫn phải đội sùm sụp đến phát ghét.

Chiếc xế hộp đầu tiên của tôi là một chiếc Honda Civic "lướt", mua lại từ anh bạn... 

 Chiếc xế hộp đầu tiên của tôi là một chiếc Honda Civic "lướt", mua lại từ anh bạn...

 ...cảm giác vần vô-lăng đưa cả gia đình đi chơi cuối tuần làm tôi thấy mình "man" hơn hẳn (Ảnh minh họa)

 ...cảm giác vần vô-lăng đưa cả gia đình đi chơi cuối tuần làm tôi thấy
mình "man" hơn hẳn (Ảnh minh họa)


Rồi gần như cả tháng sau đó, cuối tuần nào tôi cũng lái xe đưa bà xã và “f1-f2” vi vu đến các khu resort, nghỉ dưỡng có bán kính chừng 100km đổ lại xung quanh Hà Nội. Của đáng tội, cũng “lục tốn” ra phết, nhưng được cái vui và thư giãn. Hơn nữa cái cảm giác xoa vô-lăng trên đường cao tốc, phía sau hai đứa con vui đùa inh ỏi làm tôi thấy mình trở nên “man” hơn hẳn.

Vào ngày làm việc, tôi phi xe đến cơ quan trong ánh mắt có phần ghen tị của mấy nam đồng nghiệp vẫn đang xài “2 bánh” và nhanh chóng “làm lễ” gia nhập hội “4 bánh”, vốn đã có ngót nghét gần chục mạng. Sếp thì cũng chẳng quan tâm lắm, biết tin, gặp tôi ở hành lang thì bắt tay và nói ngắn gọn: “Mừng cậu mua được xe mới nhé”.

Kể từ đó, mỗi buổi sáng rời nhà đến công sở, tôi cũng chú ý đến quần áo, đầu tóc hơn: Không còn phải đội mũ bảo hiểm, tôi cho phép mình vuốt thêm chút keo bọt lên tóc, trông sành điệu hơn hẳn. Quần âu, áo sơ-mi lúc nào cũng được bà xã là phẳng phiu từ tối hôm trước; thậm chí tôi còn chăm mặc áo màu trắng- cái màu mà trước kia có muốn cũng chịu vì từ nhà tôi đến cơ quan phải vượt qua tuyến đường 32 lúc nào cũng bụi mù vì xe buýt, xe tải.

Thấm dần nỗi khổ xài “4 bánh”

Những sự sung sướng “đầu đời” rồi cũng qua đi. Sau nửa năm mua xe, tôi lái xe “nuột” hơn hẳn, nhưng cũng bắt đầu thấm những nỗi khổ của việc xài “xế hộp” ở Hà Nội.

Đầu tiên là việc nuôi “con nghiện”: Tất tần tật cả lương cùng các khoản phụ cấp của tôi hàng tháng được tròn trèm 10 triệu đồng, ấy thế mà cứ phải đều đặn bỏ ra gần phân nửa để chi phí cho chiếc ôtô: nào là tiền xăng dầu, tiền bảo dưỡng, tiền bến bãi, tiền rửa xe… đấy là chưa kể lâu lâu tôi lại hứng chí “độ” thêm cái màn hình, thay bộ la-zăng.

Vẫn biết có câu “tậu trâu, tiếc gì cái dây thừng?”, thế nhưng có hôm ngồi lẩm nhẩm, tôi tính ra chi phí cho chiếc xe/km sử dụng chẳng rẻ hơn đi ta-xi là bao nhiêu; nếu mà tính cả khấu hao xe thì có khi còn đắt hơn. Đấy là còn chưa nói đến chuyện bọn ăn cắp vặt (trộm vía, từ ngày mua xe tôi chưa bị mất cái gì) cứ rình rập suốt ngày đêm. Có lẽ chẳng ở đâu như ở Việt Nam, đến mấy cái chữ, hay mấy cái lô-gô xe mà cũng phải bắn đinh rút bảo vệ. Xe của tôi vốn cũng chỉ là hạng xe “cỏ”, nhưng sểnh ra cái mất đôi gạt nước hay cái mặt gương là đảm bảo đi toi cả tháng lương công chức. 
Ôi! Xe máy muôn năm ảnh 3 

 Tôi phải đi từ 6h sáng để có chỗ đỗ xe trong tầng hầm công ty,
bằng không đành để bừa bãi dưới lòng đường chịu phạt (Ảnh minh họa)

Một nỗi khổ nữa là tôi bỗng dưng trở thành “taxi-driver” đúng nghĩa. Không những phải chở vợ, đón con mà “tứ thân phụ mẫu” có việc gì cũng điều tôi đến, lái xe đưa đi. Một vài lần thì còn hứng thú, càng về sau càng oải: vẫn những cung đường ấy, địa điểm ấy, toàn những việc hiếu hỉ, giỗ chạp- không đừng được. Còn nữa, lâu lâu được dịp đi xả stress cùng mấy thằng bạn nối khố, trong lúc chúng nó ăn uống xả dàn thì cái thằng tôi lại cứ phải bụm miệng dè chừng, để còn tỉnh táo mà lái xe về. Lên xe, chúng nó ồn ào một lúc rồi lăn quay ra ngủ, còn mình thì cứ như ma-nơ-canh dương mắt ra, im phăng phắc mà vần vô-lăng.

Rồi bỗng dưng cơ quan tôi chuyển trụ sở từ khu đô thị mới rộng rãi ở quận Cầu Giấy vào một con phố mới mở ở quận Đống Đa, mọi chuyện đang yên lành bỗng lộn tùng phèo hết cả lên. Thay vì đủng đỉnh 8h đến cơ quan như trước, giờ thì cứ 6h sáng là tôi phóng ra đường để chống kẹt xe và để…giành chỗ đỗ ôtô với đồng nghiệp.

Hầm của tòa nhà mà cơ quan tôi mới thuê chỉ để được 5 chiếc ôtô; trong đó 2 ô đẹp nhất được dành cho giám đốc và phó giám đốc, 3 ô còn lại cho đám nhân viên tranh nhau: ai đến sớm thì có chỗ đậu, ai đến muộn thì đành phải để bừa dưới lòng đường- đối mặt với nguy cơ được các anh CSGT hay thanh tra GTVT gọi ra nộp phạt bất cứ lúc nào. Còn một phương án nữa an toàn hơn là đem xe đi gửi ở dưới gầm cây cầu vượt cách đó chừng 1km, đỡ được nắng mưa, nhưng phải… thuê xe ôm chạy ngược về cơ quan.

 Ôi! Xe máy muôn năm ảnh 4

 Giờ tan tầm buổi chiều mà gặp cơn mưa thì quả là ác mộng đối với tôi... (Ảnh minh họa)

Thành ra, cứ sáng sớm là tôi hớt hải giục thằng con nhanh nhanh chóng chóng đánh răng rửa mặt rồi ủn nó lên xe, đưa tới trường. Tới nơi lại ủn phắt nó xuống, để tôi còn chạy đến cơ quan cho sớm sủa. Khổ thân cu cậu, dù cổng trường chưa mở, nhưng sáng nào cũng phải đứng lơ ngơ đợi- nhưng biết làm thế nào- nếu đưa nó đi đúng giờ thì lại hỏng mất việc của tôi.

Còn nữa, cho xe vào hầm cơ quan là đành để… chết dí cho đến tối mịt. Hễ lấy xe ra là đảm bảo rơi vào cảnh “đi ăn cỗ, về mất chỗ”, mà nguyên việc nhờ và người nọ, người kia tiến xe ra lùi xe vào để xe mình có lối thoát ra cũng đủ ngại. Chính vì thế mà mỗi lần có việc sang cơ quan, đơn vị khác tôi toàn phải vẫy ông xe ôm đầu đường cho cơ động. Hôm nào cần lịch sự lắm thì mới vẫy ta-xi đi giao dịch, cho đỡ tốn… thế là lại thêm một khoản chi phí “giời ơi đất hỡi” nữa. Nhưng nào đã hết khổ, để tránh giờ tan tầm buổi chiều, hoặc tôi phải về từ 4h (mà điều này chắc chắn sếp không đồng ý) hoặc đợi đến 6h, cho đường vãn hẳn mới nổ máy về nhà. Thành ra bà xã liên tục cằn nhằn, rằng đón con không đón, về nhà thì rõ muộn…

Còn vô vàn nỗi khổ khác mà tôi phải đánh đổi để được ngồi trong cái ghế bọc da êm ái, vần vô-lăng hằng ngày: Mỗi lần đi ăn quán xá trong phố là phải ngắm nghía trước xem quán đó có chỗ để xe hay không, mấy lần “dính chưởng” chạy lòng vòng mất cả tiếng chỉ để tìm chỗ gửi xe khiến tôi có kinh nghiệm hẳn ra. Tiền gửi xe vặt thì khỏi nói: dù thành phố qui định các điểm trông giữ xe chỉ được thu 10.000đ/lần, nhưng thực tế dù chỉ gửi 5 phút tôi cũng phải trả 20.000đ/lần; thậm chí ngày lễ ngày tết, nhiều anh trông xe còn nhận luôn tờ 50.000đ và nói như giọng miền Nam là “khỏi thối”; rồi từ ngày tôi đi “xế hộp”, mua cái gì cũng bị đắt lên 15-20%, đến mua bóng bay ven đường cho cô con gái nhỏ cũng bị “chém” ngọt xớt- đáng đời cái tội “nhà giàu”.

Quay về với “2 bánh”

Tình trạng trên diễn ra được thêm nửa năm thì tôi chịu hết nổi. Một sáng thứ Hai đẹp trời, tôi quyết định lôi chiếc xe máy lâu nay bị vứt lăn lóc trong góc tầng hầm chung cư ra để đi làm. Cũng may bà xã thi thoảng vẫn dùng đi chợ loanh quanh nên không có trục trặc nào đáng kể, máy vẫn nổ êm, chỉ cần bơm thêm chút hơi cho 2 bánh là ổn.

 Ôi! Xe máy muôn năm ảnh 5

 Sau hơn 1 năm đi làm bằng "xế hộp", tôi quay lại với "mui trần 2 bánh"
(Ảnh minh họa)

Thật ngạc nhiên, hôm nay 7h tôi mới ra khỏi nhà mà đến cơ quan vẫn sớm 15 phút; cậu con trai cũng không còn giở cái bản mặt bí xị vì bị bắt đứng ngoài cổng trường từ sáng sớm. Chỗ để xe thì khỏi nói- bãi xe máy còn trống đến mấy chỗ liền. Giữa buổi làm, sếp sai tôi mang hợp đồng sang đối tác- quá đơn giản, tôi không còn phải gọi điện trước cho ông xe ôm quen mặt hay loay hoay đứng ở vỉa hè vẫy ta-xi. Hết giờ làm, tôi hòa vào dòng người đông đúc: mặc dù chậm nhưng vẫn di chuyển tốt, không đến nỗi chết dí một chỗ như khi ngồi ôtô; và khỏi nói bà xã phấn khởi thế nào khi tôi về nhà sớm, giúp mấy việc lặt vặt.

Kể từ hôm đó, tôi quyết định lại đi làm bằng xe máy, mặc cho mấy cậu đồng nghiệp trêu: “Dạo này lại xài mui trần cơ à?”. Ôtô chỉ dùng khi hữu sự. Ôi! Xe máy muôn năm.