Oanh tạc cơ Tu-22M3 Nga bốc cháy rơi xuống đất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Quốc phòng Nga thông báo, một oanh tạc cơ chiến thuật Tu-22M3 rơi tại vùng Stavropol ở miền nam nước này do lỗi kỹ thuật.

"Oanh tạc cơ rơi xuống cánh đồng ở quận Krasnogvardeisky thuộc vùng Stavropol. Các phi công đã kịp nhảy dù thoát khỏi máy bay", lãnh đạo vùng Stavropol Vladimir Vladimirov ngày 19/4 thông báo. Ba phi công được tìm thấy còn sống và chuyển đến bệnh viện, lực lượng cứu hộ đang tìm phi công thứ 4.

Bộ Quốc phòng Nga sau đó cho biết máy bay bị rơi là oanh tạc cơ chiến thuật Tu-22M3 đang trên đường quay về căn cứ sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. "Theo thông tin sơ bộ, nguyên nhân tai nạn là lỗi kỹ thuật", thông cáo của cơ quan này có đoạn.

Kênh Telegram Fighter Bomber, được cho là của một phi công Nga, đăng video cho thấy chiếc Tu-22M3 xoay tròn nhiều vòng, rơi gần như thẳng đứng xuống đất với động cơ bốc cháy.

Máy bay ném bom Tu-22M3 bốc cháy
Máy bay ném bom Tu-22M3 bốc cháy

Ảnh hiện trường cho thấy nhiều phần của máy bay cháy rụi nằm trên cánh đồng, khu vực xung quanh dường như không bị ảnh hưởng nhiều do oanh tạc cơ Tu-22M3 không mang theo bom đạn.

Xác máy bay ném bom Tu-22M3

Xác máy bay ném bom Tu-22M3

Trong khi đó, tướng Mykola Oleshchuk, tư lệnh không quân Ukraine, tuyên bố lực lượng phòng không nước này kết hợp với Tổng cục Tình báo Quân đội đã lần đầu tiên hạ một oanh tạc cơ Tu-22M3. Tướng Oleshchuk cho hay chiếc Tu-22M3 này đã phóng tên lửa hành trình Kh-22 vào Ukraine trong đợt tập kích ngày 19/4.

Không quân Ukraine không đưa ra bằng chứng nào chứng minh cho điều này, cũng không nói rõ đã dùng vũ khí gì để bắn hạ máy bay.

Máy bay ném bom Tu-22M3

Máy bay ném bom Tu-22M3

Máy bay ném bom Tu-22M3 đi vào hoạt động từ năm 1983. Mẫu oanh tạc cơ này chức năng chủ yếu là tiêu diệt các biên đội tàu sân bay đối phương, khiến nó có biệt danh "sát thủ diệt tàu sân bay".

Vũ khí chính của Tu-22M3 là ba tên lửa diệt hạm hạng nặng Kh-22 với tầm bắn 600 km hoặc 10 tên lửa đạn đạo chống hạm Kh-15 có khả năng đánh trúng mục tiêu từ cách 300 km, ngoài ra nó còn có thể mang 4 tên lửa hành trình siêu vượt âm Kh-47M2 "Kinzhal".

Sự xuất hiện của Tu-22M3 khiến hải quân Mỹ cảm thấy bất an, do chúng mang theo những tên lửa diệt hạm tầm xa với kích thước lớn, trong khi Washington không sở hữu vũ khí nào có tính năng kỹ chiến thuật tương đương.