Nữ Chánh án công bố phế truất nữ Tổng thống là ai?

ANTD.VN - Bà Lee Jung-mi, Quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp ngày 10-3 đã công bố phán quyết lịch sử phế truất bà Park Geun-hye, nữ Tổng thống được bầu cử dân chủ ở Hàn Quốc. Nhưng không phải ai cũng biết về vị Chánh án 55 tuổi này. 

Bà Lee Jung-mi trong ngày công bố phán quyết phế truất nữ Tổng thống

Vào ngày Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ra phán quyết về số phận chính trị của bà Park Geun-hye, Quyền Chánh án Lee Jung-mi đã đến tòa sớm hơn bình thường để gặp các thẩm phán khác nhằm hội ý lần cuối trước khi đưa ra phán quyết lịch sử.

Giữa vô số những ánh đèn flash của máy ảnh, vật thu hút sự chú ý nhất là hai chiếc lô cuốn tóc màu hồng vẫn ở phía sau đầu bà Lee. Hình ảnh này ngay lập tức lan truyền trên mạng, mặc dù các quan chức tòa án đã yêu cầu giới truyền thông không sử dụng nó. 

Bênh vực người dễ bị tổn thương 

Năm nay 55 tuổi, bà Lee chính thức nghỉ hưu hôm 13-3, sau khi kết thúc nhiệm kỳ 6 năm. Là nữ thẩm phán duy nhất trong hội đồng gồm 9 thành viên, bà Lee đã trở thành người trẻ nhất trong lịch sử Hàn Quốc đảm nhận vị trí quan trọng này vào năm 2011.

Việc người đứng đầu Tòa án Tối cao khi đó là ông Lee Yong-hoon đề cử bà Lee cũng thu hút sự chú ý của dư luận, do bà tốt nghiệp Đại học Hàn Quốc, một điều khác thường trong hội đồng chủ yếu gồm những nhân vật từng tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul.

Là người ăn nói nhỏ nhẹ, bà Lee không nổi bật trong suốt sự nghiệp của mình, nhưng lại tạo dựng được lòng tin khi luôn đứng về phía những người dễ bị tổn thương trong xã hội.

Trong số những bản án đáng chú ý của bà có phán quyết hồi năm 2003 ủng hộ một người mẹ bị tử vong sau ca sinh mổ mà không được bác sĩ thông tin đầy đủ về những rủi ro của việc phẫu thuật.

Năm 2007, bà đã yêu cầu một chủ thầu xây dựng và một ngân hàng bồi thường cho cư dân đã thuê các căn hộ dành cho đối tượng có thu nhập thấp vì các đơn vị này thi công chậm. 

“Một thẩm phán về hiến pháp mang trách nhiệm được quy định trong Hiến pháp nhằm dung hòa những giá trị và xung đột khác nhau trong xã hội để đạt được sự hòa hợp xã hội ở một hình thức phát triển cao hơn. Vì vậy, người đó phải tế nhị và chu đáo, có ý thức vững chắc về sự cân bằng để cộng đồng thiểu số và những người thiệt thòi trong xã hội không bị hy sinh”, bà Lee phát biểu.

Được bảo vệ 24/24  giờ

Tại Tòa án Hiến pháp, bà Lee đã thụ lý vụ án gây nhiều tranh cãi hồi năm 2014 vốn dẫn đến việc giải tán đảng Tiến bộ Thống nhất. Khi đó, bà đưa ra kết luận rằng các thành viên của đảng này đã tìm cách lật đổ chính phủ với sự hỗ trợ của Triều Tiên.

Bà Lee đưa ra quan điểm được đa số ủng hộ, bao gồm một luật chống tham nhũng, trong đó cấm thành viên các cơ quan dân sự, cơ sở giáo dục tư nhân và truyền thông tặng hay nhận những bữa ăn trị giá từ 30.000 won (27USD), quà tặng có giá trị 50.000 won hay những khoản tiền hiếu hỷ từ 100.000 won trở lên. 

“Hy vọng chân thành của tôi là đất nước hãy giũ sạch sự chia rẽ và thù hận, cùng nhau đoàn kết trong tình yêu thương và lòng khoan dung”

Quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc Lee Jung-mi chia sẻ.

Việc đảm nhận vai trò cao nhất ở Tòa án Hiến pháp đã khiến bà Lee trở thành tâm điểm chú ý. Nhưng việc này cũng mang đến áp lực to lớn từ cả 2 phe ủng hộ và chống lại việc luận tội bà Park. Trong đó, những người ủng hộ bà Park đã lan truyền địa chỉ nhà của bà Lee trên mạng, và đe dọa tấn công nữ Chánh án này.

Vì vậy, bà Lee sẽ tiếp tục được cảnh sát Hàn Quốc bảo vệ 24/24 giờ sau khi về hưu, do vẫn còn những lo ngại về sự an toàn của bà sau sự kiện ngày 10-3. Tuy nhiên, bà đã để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử Hàn Quốc ngay trước khi nghỉ hưu với phán quyết lịch sử.