Nông sản phía Nam ùn ứ, xử lý nguy cơ thiếu thực phẩm cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giãn cách xã hội khiến chuỗi cung - cầu bị gián đoạn, việc thu mua, vận chuyển gặp khó khăn đã gây tình trạng ùn ứ nông sản tại nhiều tỉnh, thành phía Nam. Thực tế, hiện giá nhiều loại nông sản đã xuống thấp và cảnh báo về nguy cơ giảm nguồn cung trong những tháng cuối năm.
Giá thu mua lúa Hè Thu tại An Giang ở mức thấp

Giá thu mua lúa Hè Thu tại An Giang ở mức thấp

Sản xuất nông nghiệp phía Nam gặp khó

Báo cáo ngày 20-8 của Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ NN&PTNT (Tổ công tác 970) cho thấy, diện tích lúa Hè Thu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 1,5 triệu ha, trong đó đã thu hoạch khoảng 820.000ha, còn lại gần 700.000ha, sản lượng ước đạt 8,6 triệu tấn. Giá lúa Hè Thu tại khu vực phía Nam có tăng nhưng nhẹ, dao động từ 4.400-5.700 đồng/kg, giảm so với cùng kỳ năm trước từ 900 - 1.300 đồng/kg. Theo ước tính của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa thường tại ruộng giảm bình quân 133 đồng/kg, hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg; giá lúa thường tại kho tăng nhẹ 40 đồng/kg, do di chuyển thu mua giữa các địa phương khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đã ngưng mua lúa.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổ trưởng Tổ công tác 970 nhận định, sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Nam bộ đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, dự kiến 6 tháng cuối năm 2021 nguồn cung nông sản thực phẩm phục vụ xuất khẩu sẽ giảm mạnh. Nhu cầu thị trường vẫn rất lớn nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa do giãn cách xã hội, việc thu hoạch và sản xuất bị ảnh hưởng, công suất tại các nhà máy chế biến nông lâm thủy sản giảm mạnh.

Đáng nói, tình hình chế biến xuất khẩu thủy sản tiếp tục gặp khó khăn, số doanh nghiệp khu vực Nam bộ tạm dừng sản xuất là 123 cơ sở (trong đó 19 cơ sở có ca nhiễm Covid-19 ; 104 cơ sở không đáp ứng được yêu cầu 3 tại chỗ). Như vậy còn 326/449 cơ sở tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục sản xuất, chiếm 65%. Tuy nhiên, do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16. Hơn nữa, do TP.HCM và các tỉnh đều kéo dài thời gian giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ thêm khó khăn bởi chi phí 3 tại chỗ rất cao. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến toàn chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Báo cáo của Tổ công tác 970 cho thấy, giá thị trường sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đang giảm. Cụ thể, thịt lợn hơi 50.000-54.000 đồng/kg (giảm 15,2-15,9% so tháng trước), thịt gà siêu thịt công nghiệp phổ biến thấp dưới 10.000 đồng/kg, thịt gà lông màu nuôi ngắn ngày khoảng 25.000-28.000 đồng/kg (giảm 19,1-19,2%). “Với việc giảm mạnh cầu do giãn cách xã hội, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn cho các sản phẩm chăn nuôi lợn và gia cầm trong 1-2 tháng tới. Trong khi đó, giá ngô vẫn duy trì ở mức cao càng làm cho người chăn nuôi khó khăn. Có thể thấy chỉ khi các địa phương, đặc biệt là thành phố lớn kiểm soát được dịch Covid-19, việc thông thương thuận lợi hơn thì giá gia cầm mới hồi phục trở lại” - ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT báo cáo.

Bên cạnh đó, thị trường tôm giá cũng xuống thấp, giá cá tra thấp kéo dài, hiện chỉ khoảng 21.000 đồng/kg. Đáng nói, giá tôm và cá tra xuống thấp nên không kích thích tái sản xuất, nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu cuối năm.

Đồng Nai kiến nghị có giải pháp cho việc tiêu thụ nông sản tươi

Đồng Nai kiến nghị có giải pháp cho việc tiêu thụ nông sản tươi

Nhiều nông sản bí đầu ra

Ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang thông tin, từ nay đến cuối tháng 8, nông dân trong tỉnh sẽ thu khoảng 1.500 tấn thủy sản các loại, gồm 7 mặt hàng chính là tôm thẻ, tôm sú, tôm càng xanh, cua biển nuôi, sò huyết, cá bớp, cá bống mú. Trong đó, các mặt hàng rất cần được kết nối tiêu thụ là tôm càng xanh, sò huyết và cá nuôi lồng bè. Tại Đồng Tháp, các mặt hàng thủy sản như cá điêu hồng, rô phi, cá tra, ếch, tôm càng xanh cũng lên tới hàng chục nghìn tấn/năm. Trong đó, mặt hàng ếch nuôi đang rất cần đầu ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Đối với nhóm trái cây, rau củ hiện nhiều địa phương phía Nam cũng rơi vào cảnh khó tiêu thụ, giá cả xuống thấp. Theo Sở NN&PTNT Đồng Nai, thời gian gần đây, Sở đã ghi nhận nhiều công ty phải “kêu cứu” trong việc vận chuyển phân phối thịt lợn, rau củ quả ra thị trường.

Để kết nối cung - cầu, tháo gỡ bớt khó khăn trong tiêu thụ trái cây tươi có tính chất mùa vụ cao, Sở NN&PTNT Đồng Nai đã kiến nghị về việc vận chuyển, lưu thông nông sản giữa các địa phương, nhất là các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết khi không cho phép phương tiện vận chuyển nông sản của địa phương khác đi qua.

Cần tạo điều kiện cho xe vận chuyển nông sản lưu thông nếu đáp ứng đầy đủ giấy xác nhận an toàn dịch bệnh đối với lái xe và hàng hóa. Sở NN&PTNT Đồng Nai cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương sớm đề xuất, triển khai các giải pháp phù hợp thúc đẩy tiêu thụ nông sản tươi tại các vùng đang có dịch bệnh nhằm nhanh chóng đưa nông sản đến tay người dân có nhu cầu; hạn chế tình trạng mất cân đối cung - cầu cục bộ, nâng giá trục lợi trong giai đoạn phong tỏa các chợ đầu mối, chợ truyền thống.

Trước tình trạng nông sản phía Nam đang ùn ứ, nguy cơ thiếu thực phẩm cho những tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh Nam bộ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh tạo điều kiện cho nhân công, máy móc thu hoạch lúa, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động thu mua, vận chuyển, xay xát, chế biến, tiêu thụ lúa gạo được thuận lợi trong tình hình tuân thủ các quy định về phòng dịch ở địa phương. Ngoài ra, rà soát, triển khai các kế hoạch sản xuất ngành nông nghiệp trong tình hình hiện nay có tính toán đến thời gian bình thường mới, đẩy mạnh các giải pháp giảm giá thành sản xuất, tiết kiệm chi phí trong tất cả các hoạt động của chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản song song với việc mở rộng diện tích, sản lượng hàng hóa nông sản đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Chuẩn bị nông sản cho phía Bắc

Còn tại phía Bắc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, khả năng sau dịch Covid-19, khu vực phía Nam sẽ thiếu nông sản nên cần chuẩn bị sản xuất để có thể cung ứng cho các địa phương phía Nam. Do đó, các lĩnh vực phải có kế hoạch sản xuất và “đi trước đón đầu”.

Theo Sở NN&PTNT Bắc Giang, dự kiến thu hoạch lúa vụ mùa ước đạt 284.580 tấn; trong đó, tiêu thụ trong tỉnh khoảng 70% sản lượng, số còn lại tiêu thụ ngoài tỉnh. Về rau, Bắc Giang sẽ thu hoạch rải vụ từ nay đến tháng 9-2021 với 83.000 tấn; trong đó, tiêu thụ nội tỉnh chiếm trên 70%, còn lại tiêu thụ tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trái cây như cam, bưởi sẽ cung cấp 100.000 tấn, với 80% tiêu thụ ngoài tỉnh. Về chăn nuôi, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường việc phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Hiện nay, đàn lợn của tỉnh đạt 941.758 con, đàn gia cầm 20,847 triệu con, đàn trâu 41.102 con, đàn bò 130.870 con. Dự kiến đến hết quý 4-2021, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 55.270 tấn, sản lượng tiêu thụ trong tỉnh khoảng 40%, số còn lại tiêu thụ ngoài tỉnh; sản lượng trứng gia cầm đạt 46.675 nghìn quả, tiêu thụ trong tỉnh 50%.

Tại Hải Dương, ông Vũ Việt Anh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, vụ mùa có 55.250 ha, dự kiến sản lượng 315.000 tấn thóc. Bên cạnh đó, lượng thóc thu từ vụ Xuân còn trong dân khoảng 217.300 tấn. Hải Dương hiện có 6.500 ha rau màu và thu hoạch liên tục, sản lượng trung bình 50.000 tấn/tháng. Kế hoạch gieo trồng cây vụ Đông đạt 21.000 ha, thu hoạch từ tháng 10-2021 đến tháng 3-2022 và sản lượng chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố và xuất khẩu…

Ông Vũ Việt Anh đề nghị Bộ NN&PTNT cung cấp thông tin và dự báo kịp thời, chính xác nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu để địa phương kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất trong thời gian tới, đặc biệt có giải pháp cụ thể giúp Hải Dương tiêu thụ rau vụ Đông để tránh bị dư thừa, dồn ứ. Tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ có biện pháp cấp bách giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, nếu không sẽ xảy ra nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm.

Không sớm hỗ trợ thì doanh nghiệp thủy sản sẽ đứt gãy chuỗi

Ngày 19-8, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc “góp ý dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19”. Theo VASEP, đối với ngành thủy sản, nếu không khôi phục sản xuất vào tháng 9 tới có thể dẫn đến hậu quả đứt gãy chuỗi, khiến ngành không còn hoặc khó có cơ hội để phục hồi. Kéo theo tình trạng nguyên liệu thủy sản sẽ ứ đọng, nông dân nuôi tôm, cá sẽ cực kỳ khó khăn. Do đó, đối với góp ý dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, VASEP đề xuất mục tiêu khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp không muộn hơn 15-9-2021.

Một số giải pháp hỗ trợ được VASEP đưa ra như giảm 30% tiền điện trong 6 tháng cuối năm; Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả lương cho người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp khi người lao động phải đi cách ly hoặc dừng sản xuất theo quy định chống dịch trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ; đề nghị TP.HCM và Hải Phòng dừng thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển từ tháng 8-2021 đến hết tháng 6-2022. Đồng thời, điều chỉnh giảm ít nhất 30% các mức phí đang áp dụng. Cũng trong thời gian từ tháng 8-2021 đến hết tháng 6-2022, VASEP đề nghị các cảng biển giảm ít nhất 50% các chi phí dịch vụ tại cảng như phí nâng hạ container, bốc dỡ, lưu kho, cắm điện…Với các chi phí sản xuất, VASEP cũng đề nghị giảm ít nhất 50% phí hạ tầng của các khu công nghiệp với thời hạn như trên. H.D