Nỗi sợ mơ hồ của người Mỹ và những vụ nổ súng oan nghiệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ở Mỹ - quốc gia mà tất cả những người lạ bị coi là mối đe dọa, những hành động đơn giản như đi nhầm địa chỉ hoặc thậm chí chỉ bấm nhầm chuông cửa, nhưng hậu quả là họ có thể bị bắn ngay. Đã có không ít những trường hợp đáng tiếc như vậy.
Người dân tưởng niệm Trayvon Martin, thiếu niên da màu bị bảo vệ khu dân cư George Zimmerman hiểu nhầm và bắn chết ở Sanford, Florida hồi năm 2012

Người dân tưởng niệm Trayvon Martin, thiếu niên da màu bị bảo vệ khu dân cư George Zimmerman hiểu nhầm và bắn chết ở Sanford, Florida hồi năm 2012

Trong 6 ngày của tháng 4-2023, trên khắp nước Mỹ đã có 5 người bị bắn chỉ vì… nhầm chỗ. Trong đó, một người đàn ông đã bắn và làm bị thương 2 hoạt náo viên trong bãi đậu xe của một siêu thị ở Texas sau khi họ lên nhầm xe ô tô. Hay Ralph Yarl, thiếu niên da đen ở thành phố Kansas đã bị bắn khi em gõ cửa nhà một người đàn ông da trắng lớn tuổi trong lúc tìm kiếm em trai. Yarl bị bắn vào đầu và cánh tay, đang hồi phục tại nhà. Tất cả bọn họ, chỉ vì sơ suất nhưng đã bị trúng đạn. Một số bị thương, một số thiệt mạng.

Vào đầu những năm 1970, các cuộc khảo sát cho thấy, khoảng một nửa dân số Mỹ cho rằng hầu hết mọi người đều đáng tin cậy. Đến năm 2020, số liệu đó đã giảm xuống dưới 1/3. Đa số, người Mỹ luôn cho rằng tội phạm đang gia tăng, khả năng cao họ trở thành nạn nhân của tội phạm. Giáo sư Warren Eller tại Đại học Tư pháp Hình sự John Jay nhận xét: “Mọi người quan niệm như thể chúng tôi tiếp xúc với tất cả các mối nguy hiểm ngoài kia 24 giờ mỗi ngày”.

Điều đó cũng không đáng ngạc nhiên bởi các chính trị gia từ lâu đã sử dụng tội phạm như một vấn đề nan giải để thể hiện lập trường của mình. Một nguyên nhân khác là việc giới truyền thông không ngừng đưa tin về vụ việc hình sự. Người xem truyền hình hàng ngày bắt gặp hình ảnh của các video giám sát cho thấy đủ loại tội phạm nên không khỏi cảm thấy bất an. Sự ngờ vực này của người Mỹ đã hình thành như một thói quen. Và khi trộn lẫn với sự nhầm lẫn về pháp lý, khả năng tiếp cận vũ khí dễ dàng, huấn luyện sử dụng súng kém và đôi khi là phân biệt chủng tộc, nó đã tạo ra một chuỗi các vụ xả súng đáng tiếc.

Về mặt pháp lý, những người xả súng trong những vụ việc như vậy thường sử dụng biện pháp phòng vệ dựa trên luật pháp, nhưng những điều luật đó đã phổ biến khắp nước Mỹ trong 25 năm qua, có thể đã thực sự thúc đẩy bạo lực. Một nghiên cứu trên tạp chí y khoa JAMA Network Open vào năm 2022 chỉ ra rằng, tỷ lệ giết người hàng tháng tăng từ 8% đến 11% ở các bang có luật nói trên. Ông

Geoffrey Corn, chuyên gia về luật hình sự tại trường Luật Đại học Công nghệ Texas cho biết: “Tôi nghĩ rằng nó thường được coi như một giấy phép sử dụng vũ lực chết người bất cứ khi nào ai đó cảm thấy bị đe dọa”. Là nhà nghiên cứu sâu rộng những luật như vậy, ông Geoffrey Corn tin rằng, công chúng đã hiểu lầm sâu sắc. Ông nói: “Nỗi sợ hãi phải được chứng minh bằng tình huống cụ thể. Bạn không thể giết ai đó chỉ vì bạn sợ họ”.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng ông Andrew Lester, 84 tuổi, người đã bắn Yarl sẽ viện dẫn quyền tự vệ theo luật của bang Missouri. Vụ nổ súng được so sánh với vụ án mạng xảy ra với Trayvon Martin, một thiếu niên da màu vào năm 2012. Cậu bé 17 tuổi đến thăm nhà cha mình trong một cộng đồng có cổng bảo vệ ở Florida. Khi đó, George Zimmerman, người tình nguyện canh gác khu phố thấy cậu bé có vẻ khả nghi và nổ súng.

Zimmerman được tuyên trắng án sau một phiên tòa trong đó các luật sư sử dụng luật hiện hành của bang để bào chữa. Tương tự là trường hợp của Renisha McBride, một phụ nữ da màu đã gõ cửa từng nhà trong một cộng đồng ở khu vực Detroit vào năm 2013 để tìm kiếm sự giúp đỡ sau một vụ tai nạn xe hơi. Cô đã bị một cư dân da trắng bắn chết qua cửa lưới, do sợ McBride có ý làm hại ông ta.

Ibram X. Kendi, tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất về phân biệt chủng tộc và là người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chống phân biệt chủng tộc tại Đại học Boston, cho biết, những trường hợp này xảy ra do mọi người đều cho rằng người da màu dễ phạm tội và bạo lực hơn. “Không ai sinh ra đã sợ hãi người khác vì màu da của họ. Có rất nhiều cách khác nhau mà mọi người được dạy rằng người da màu rất nguy hiểm. Càng quên đi ý tưởng đó đi thì càng ít có khả năng mọi người sẽ sử dụng vũ lực gây chết người đối với một đứa trẻ 16 tuổi bấm nhầm chuông cửa nhà họ”, ông Kendi nói.