Nỗi lo IS nhen nhóm sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ - Syria

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hai trận động đất lớn ở biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6-2 không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và đe dọa sự sống còn của hàng nghìn người khác mà còn tạo ra mối đe dọa an ninh, nhất là khi hàng chục tù nhân IS đã trốn khỏi trại giam ở Syria.
Người dân đi lánh nạn sau khi hàng loạt tòa nhà sập đổ do động đất ở Jandaris, khu vực do phiến quân kiểm soát ở tỉnh Aleppo, Syria

Người dân đi lánh nạn sau khi hàng loạt tòa nhà sập đổ do động đất ở Jandaris, khu vực do phiến quân kiểm soát ở tỉnh Aleppo, Syria

Lợi dụng cảnh hỗn loạn để tổ chức lại và tích lũy quyền lực

Lợi dụng cảnh hỗn loạn sau động đất, các tù nhân đã trốn thoát khỏi nhà tù nằm ở thị trấn Rajo của Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 5km và cách Aleppo khoảng 65km. Nhà tù này là nơi giam giữ 2.000 tù nhân, trong đó 1.300 người được cho là thành viên của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Thổ Nhĩ Kỳ chưa chuẩn bị tốt cho mối đe dọa an ninh do nhu cầu cứu trợ của người dân hai bên biên giới sau thảm họa động đất kinh hoàng. Trên thực tế, việc Thổ Nhĩ Kỳ tập trung vào việc ứng phó với trận động đất thậm chí có thể tạo ra những tình huống thuận lợi cho các tổ chức khủng bố đang cố gắng xâm nhập biên giới từ Syria.

Tiến sĩ Hamoon Khelghat-Doost, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Lincoln, Vương quốc Anh và Đại học Üsküdar, Istanbul phân tích, hàng nghìn người Syria đã thiệt mạng hoặc mất nhà cửa, điều này có thể dẫn đến một dòng người tị nạn Syria mới vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ để tìm kiếm nơi lánh nạn và hỗ trợ. Ông cảnh báo, bất kỳ dòng dân số quy mô lớn nào trong khu vực đều mang theo các mối đe dọa an ninh của chính nó.

“Các thành viên của các tổ chức khủng bố khác nhau thường sử dụng các thảm kịch nhân đạo để vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả năng lực của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ được huy động để giải quyết các vấn đề liên quan đến động đất. Đây là thời điểm để các tổ chức cực đoan không chịu bỏ lỡ… Hàng nghìn phần tử cực đoan đang sống dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và háo hức theo dõi diễn biến để tìm đường vào Thổ Nhĩ Kỳ hoặc tiến hành các cuộc tấn công dọc biên giới”, ông Khelghat-Doost nói và lưu ý rằng IS cũng lợi dụng đại dịch Covid-19 như một cơ hội để tổ chức lại và tích lũy quyền lực.

Mối đe dọa an ninh nghiêm trọng

Biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài hơn 500 dặm. Thỏa thuận an ninh song phương đã bị phá vỡ hồi đầu những năm 2010, cùng lúc cuộc nội chiến ở Syria diễn ra vào năm 2011. Khi đó, khu vực Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ đã bị IS chiếm giữ, tạo ra mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Để đối phó với cuộc nội chiến leo thang ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập chính sách mở ở biên giới chung, cho phép người tị nạn Syria chạy trốn vào Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng tình hình trở nên phức tạp khi khoảng trống quyền lực ở Syria tạo môi trường thuận lợi cho sự trỗi dậy của các tổ chức cực đoan. Ankara coi cả IS và lực lượng người Kurd ở Syria là những mối đe dọa an ninh quốc gia.

Một số hoạt động khủng bố trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ được cho là do những kẻ cực đoan đã vượt biên từ Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ điều hành. Để ngăn ngừa những mối đe dọa đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở một số chiến dịch quân sự để bảo vệ biên giới, bao gồm Chiến dịch Lá chắn Euphrates năm 2016-2017, Chiến dịch Cành ô liu năm 2018 và Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình năm 2019. Ông Ugur Şener, một nhà phân tích an ninh quốc tế có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Ankara đang tiếp tục nỗ lực để tối đa hóa an ninh biên giới của mình trong bối cảnh di cư bất thường. Gần như toàn bộ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria đã được trang bị hàng rào an ninh. Hầu hết các đường rào hiện nay đều có hệ thống chiếu sáng bao gồm cảm biến nhiệt để phát hiện chuyển động ở khoảng cách gần.

Thời kỳ đỉnh cao quyền lực, IS đã kiểm soát nhiều vùng đất rộng lớn ở Iraq và Syria nhưng đến năm 2019, nó đã bị đập tan. Giờ đây, người ta lo ngại tình hình ở Kurdistan - khu vực lịch sử trải dài qua các vùng lãnh thổ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và Syria - có thể tạo cơ hội cho sự trở lại quy mô lớn của nhóm Hồi giáo cực đoan này.

Guney Yildiz, một nhà nghiên cứu tập trung vào người Kurd, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, người Kurd là một nhóm từng đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến chống IS - nhưng sau đó đã bị Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tấn công. “Nếu cố tình loại bỏ chính quyền do người Kurd lãnh đạo và lực lượng quân sự của họ, các hoạt động của IS không chỉ gia tăng ở Syria mà còn gia tăng trên khắp thế giới”, ông Guney Yildiz cảnh báo với The Sun.