Nỗi lo bị bỏ rơi

(ANTĐ) - Trong khi Mỹ ngày càng thờ ơ với kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) tại châu Âu, thì hai nước Đông Âu Ba Lan và Czech lại tỏ ra sốt sắng tới mức làm dư luận ngạc nhiên.

Nỗi lo bị bỏ rơi

(ANTĐ) - Trong khi Mỹ ngày càng thờ ơ với kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) tại châu Âu, thì hai nước Đông Âu Ba Lan và Czech lại tỏ ra sốt sắng tới mức làm dư luận ngạc nhiên.

Thành phố Slupsk của Ba Lan, nơi Mỹ dự định sẽ đặt các tên lửa đánh chặn
Thành phố Slupsk của Ba Lan, nơi Mỹ dự định sẽ đặt các tên lửa đánh chặn

Chiều 2-8, Ngoại trưởng CH Czech K. Swarsenberg đã bay sang Ba Lan để thảo luận với người đồng cấp của nước chủ nhà R. Sikorski về kế hoạch xây dựng các thành tố của NMD châu Âu gồm Trung tâm thu nhận và xử lý thông tin về các vụ phóng tên lửa vào châu Âu và Bắc Mỹ đặt tại Czech và căn cứ tên lửa đánh chặn cơ động "Standard-3" (SM3 - Standard Missile-3) nhằm tiêu diệt các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của đối phương đặt tại Ba Lan.

Điều ngạc nhiên là Mỹ, “ông chủ” của những thành tố NMD này, lại chẳng thấy có mặt. Hóa ra, hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu, vốn được Mỹ ký kết với Czech và Ba Lan dưới thời cựu Tổng thống W. Bush, nay đang có nguy cơ bị bỏ bê trước những thay đổi của tình hình. Tuy kế hoạch này chưa bị hủy bỏ hoàn toàn nhưng nguy cơ ấy không phải là không hiện thực và điều này đang khiến Ba Lan và Czech lo lắng.

Trở lại với thập niên vừa qua, khi quan hệ Nga - Mỹ còn khá căng thẳng và khi Mỹ cần sự ủng hộ của các nước trong việc phát động cuộc chiến Iraq, thì các nước Đông Âu như Ba Lan, Czech được Washington ca tụng hết lời. Thậm chí có lúc Ba Lan và Czech được Nhà Trắng coi như “những đồng minh mới” còn quan trọng hơn cả các đồng minh truyền thống như Pháp và Đức. Tất nhiên là Ba Lan và Czech cũng nhân việc này kiếm khá nhiều tiền trợ giúp của Mỹ.

Thế nhưng “gió đã đổi chiều” khi căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ được giải tỏa. Sự phản ứng quyết liệt của Nga với hệ thống NMD châu Âu cũng buộc Mỹ phải tính lại. Cái giá của Czech và Ba Lan cứ nhẹ dần mà bằng chứng là trong lễ kỷ niệm 70 năm Chiến tranh thế giới thứ hai ở Ba Lan năm ngoái, Washington đã không cử bất cứ quan chức cấp cao nào sang thăm hỏi. Sự thờ ơ của Mỹ đã khiến 22 nhà lãnh đạo ở Đông Âu sốt ruột đến mức cùng gửi thư khuyến cáo Tổng thống Mỹ  B. Obama hãy nhớ đến lợi ích của các đồng minh khi thương thảo với Nga. Có tờ báo của Ba Lan và Czech thì công khai chỉ trích Mỹ luôn có xu hướng xử sự với các đồng minh một cách vụ lợi, coi đồng minh “giống như những cái hộp đựng đồ nghề”.

Nhưng nặng lời cũng chẳng được ích gì bởi bà cựu Ngoại trưởng Mỹ M. Albright từng tuyên bố rất thẳng về quan hệ của Mỹ với Đông Âu: “Các bạn an toàn, các bạn bình yên, vì thế các bạn bị người Mỹ lãng quên. Các bạn hãy lấy làm vui mừng rằng các bạn là nạn nhân của chính những thành công của mình”. Thế là Ba Lan và Czech đành tự phối hợp nhau để tìm cách làm cho con bài “lá chắn tên lửa châu Âu” có thêm sức nặng nhằm chèo kéo Mỹ. Cả hai nước Đông Âu này hiểu rõ rằng, không có sự ràng buộc bởi hệ thống NMD châu Âu, Ba Lan và Czech chẳng còn mấy sự quan tâm của Mỹ.

Không biết Ba Lan và Czech có buộc được Mỹ phải quan tâm đến mình hay không nhưng qua vụ việc này cho thấy câu nói bất hủ của cựu Thủ tướng Anh trong thế kỷ thứ 19 L. Palmerston “Không có kẻ thù vĩnh viễn, không có bạn bè vĩnh viễn, mà chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn” sẽ luôn luôn đúng trong quan hệ quốc tế.

HOÀNG SƠN