Nói không đi đôi với làm

ANTĐ - Ông “bầu” Nguyễn Đức Kiên đã từng phát biểu: “Nhìn trình độ cầu thủ Việt Nam, xem việc nhiều CLB rải tiền ra làm bóng đá có xứng đáng hay không?”. Vậy mà chỉ vài ngày sau, chính “bầu” Kiên vung ra hơn 14 tỷ đồng để đổi lấy chữ ký của Công Vinh.

Ông Kiên từ người kiệm chi nhất, trở thành người chịu chi nhất V-League. Ảnh: QUANG THẮNG

Đem về Công Vinh với giá hơn 14 tỷ đồng, ông “bầu” Nguyễn Đức Kiên đã chính thức phá giá thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội. Không những thế, ông còn phá lệ với chính mình bởi từ trước đến nay, ông Kiên là người rất chắc tay khi tiêu tiền.

Ai cũng biết, so với mặt bằng chung của cầu thủ Việt Nam, người của HN.ACB “khổ” như thế nào giai đoạn trước đây, khi ông Kiên hầu như không bao giờ chịu chi một khoản kha khá (chưa nói đến chi đậm) để mua, trả lương hay để thưởng cho các cầu thủ. Đến nỗi, cách đây chưa lâu, khi biết thông tin HP.HN giải thể và được chuyển qua tay ông Kiên, nhiều cầu thủ của đội bóng này còn chán nản và rục rịch lên kế hoạch đào thoát khỏi CLB, bởi hầu hết nghĩ rằng họ sẽ rơi vào hoàn cảnh của các đồng nghiệp HN.ACB trước đây.

Suy nghĩ ấy càng được khẳng định, khi trong bài phát biểu gây sốc của mình hôm VFF tổng kết giải, ông Kiên từng nhấn mạnh: “Các anh thử nhìn lại mặt bằng xã hội, nhìn trình độ cầu thủ Việt Nam, xem việc nhiều CLB rải tiền ra làm bóng đá có xứng đáng hay không…”. Phát biểu ấy đã thật sự gây ấn tượng, và tạo nên một luồng dư luận mạnh mẽ về xu hướng mới (nên có) của bóng đá Việt Nam: thắt chặt chi tiêu.

Vậy mà chỉ vài ngày sau, mọi chuyển đã bị đảo lộn 180 độ. Chính “bầu” Kiên vung ra hơn 14 tỷ đồng để đổi lấy chữ ký của Công Vinh. Con số phá vỡ mọi kỷ lục về chuyển nhượng cầu thủ nội của bóng đá Việt Nam. Nhiều người thậm chí còn “ngã ngửa” khi nghe con số ấy, càng kinh ngạc hơn khi biết ông chủ của HN.ACB dám bỏ ra số tiền như vậy chỉ để mang về 1 cầu thủ. 14 tỷ đồng thậm chí còn gần bằng số tiền mà “bầu” Kiên bỏ ra hàng năm để nuôi sống cả một bộ máy của CLB HN.ACB trước đây. Và chắc chắn, nó chưa dừng lại ở đó.

Đành rằng, Công Vinh là cầu thủ tốt và đáng giá thật, nhưng rõ ràng người ta phải đặt rất nhiều câu hỏi quanh phi vụ đình đám này. Điều gì đã khiến ông Kiên thay đổi hoàn toàn như thế? Người ta cứ bảo ông Kiên là “tiết kiệm” nhưng đến một người nổi tiếng chịu chơi như “bầu” Trường của Ninh Bình chắc còn phải đắn đo nhiều khi nghĩ đến khoản chuyển nhượng kia. Vậy thì phải chăng, ván cờ trong tay ông Kiên, một doanh nhân được người ta ví von là “trong đầu có sỏi”, mới thật sự bắt đầu? Những phát biểu khiến VFF “rung chuyển” liệu có đến chỉ bởi một khoảnh khắc “không thể chịu nổi nữa”, hay là nằm trong kế hoạch lâu dài của ông? Và phải chăng, đây mới bắt đầu là thời điểm để ông thật sự làm bóng đá?