Nợ xấu nội bảng nhiều ngân hàng tăng, liệu có đáng lo?

ANTD.VN - Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%. Con số này đã tăng so với công bố của NHNN vào cuối năm 2018 là 1,89%. 

Trên thực tế, nhìn vào báo cáo tài chính quý I của nhiều ngân hàng, có thể thấy con số nợ xấu tuyệt đối vẫn còn rất lớn. Đơn cử như BIDV là hơn 17.800 tỷ đồng, VietinBank gần 16.000 tỷ đồng; Vietcombank 8.376 tỷ đồng... Hầu hết các ngân hàng đều có con số nợ xấu nội bảng tuyệt đối tăng lên.

Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là các ngân hàng đã gia tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đối với 17 ngân hàng niêm yết, nợ xấu quý I/2019 có dấu hiệu tăng so với cuối năm 2018 nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có dấu hiệu cải thiện.

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ nhóm 2 trên tổng cho vay khách hàng tại cuối quý I/2019 là 1,72% và 1,59% - đều tăng so với mức lần lượt là 1,63% và 1,37% tại cuối năm 2018.

Trong 6 nghìn tỷ nợ xấu nội bảng tăng thêm trong quý I/2019, 73% đến từ "Big3" là VietinBank, BIDV và Vietcombank (lần lượt là 2.445 tỷ đồng, 1.178 tỷ đồng và 737 tỷ đồng). 

Tuy nhiên, do BIDV và Vietcombank duy trì được tăng trưởng tín dụng tốt nên tỷ lệ nợ xấu chỉ tăng thêm 0,05% so với cuối 2018, trong khi tỷ lệ nợ xấu của VietinBank tăng mạnh từ 1,56% lên 1,85% do dư nợ sụt giảm.

Nợ xấu nội bảng nhiều ngân hàng tăng nhưng xét trên tổng thể thì nợ xấu đã có nhiều cải thiện

Dù vậy, theo SSI, điểm sáng là tỷ lệ trích lập dự phòng/nợ xấu (LLC) ở hầu hết các ngân hàng đều cải thiện trong quý I/2019 với LLC bình quân tăng từ 84,9% lên 86,3%. Trong đó, các ngân hàng có LLC tăng tốt và hiện ở mức trên 100% là Vietcombank, ACB, VietinBank, BacABank. Tuy nhiên, vẫn có 3 ngân hàng ghi nhận LLC giảm đó là BIDV, MB và TPBank.

Điều đáng mừng nữa là nếu tính cả nợ đã bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng thì con số nợ xấu lại có xu hướng giảm. Cụ thể, đến cuối tháng 3/2019 thì ở mức 5,88%, đã giảm so với con số 6,5% công bố hồi cuối năm ngoái. 

Điều này cho thấy việc xử lý nợ xấu xét trên tổng thể đã có bước chuyển biến, việc nợ xấu nội bảng nhích nhẹ có thể đến từ việc một số ngân hàng đã bắt đầu mua lại nợ xấu từ VAMC.

Theo NHNN, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 907,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 117,8 nghìn tỷ đồng.