Nỗ lực chống chọi của "ông lớn" công nghệ Trung Quốc Huawei sau lệnh cấm vận từ Mỹ

ANTD.VN - Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Huawei đã không ít lần bị Tổng thống Mỹ Donald Trump “làm khó”. Mới đây nhất, người đứng đầu Nhà Trắng ban hành sắc lệnh cấm cửa “ông lớn” công nghệ Trung Quốc khiến Huawei không khỏi lao đao khi vừa mất đi một thị trường lớn, vừa bị hàng loạt đối tác quay lưng.

Vì sao Huawei bị cấm tại Mỹ

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã kéo dài trong hơn 1 năm vừa qua và Huawei được xem là mắt xích quan trọng trong cuộc chiến tranh không súng đạn này. Nhiều người cho rằng, chính phủ Mỹ coi Huawei như một công cụ để gây sức ép lên Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải sớm ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận thỏa thuận của Mỹ. Không những thế, phía Mỹ còn nhiều lần cáo buộc Huawei làm gián điệp cho Trung Quốc. Cuối năm 2018, Mỹ cùng nhiều quốc gia như Nhật Bản, Úc, New Zealand đồng loạt cấm chính phủ mua bán và sử dụng các thiết bị của Huawei do lo ngại phần mềm gián điệp. Động thái này đã khiến công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc gặp phải không ít rắc rối.

Đặc biệt, vụ việc CFO Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ ở Canada sau đó dẫn độ sang Mỹ đã đẩy căng thẳng Mỹ - Trung lên một mức độ mới. Trong bản cáo trạng buộc tội bà Mạnh Vãn Chu gồm 13 tội danh, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Huawei đã lừa dối một ngân hàng quốc tế và nhà chức trách Mỹ về quan hệ giữa họ với 2 công ty con là Skycom Tech và Huawei Device USA để tiến hành các giao dịch tại Iran. Trong một cáo buộc riêng rẽ khác, Bộ Tư pháp Mỹ cũng khẳng định Huawei đã đánh cắp bí mật thương mại, gian lận ngân hàng và cản trở công lý khi đánh cắp công nghệ robot từ nhà khai thác mạng T-Mobile US ở Mỹ.

Cuối cùng, một trong những lý do khiến Mỹ muốn “kìm kẹp” Huawei là bởi cuộc chạy đua công nghệ. Tại thời điểm hiện tại, hãng công nghệ Trung Quốc đang là nhà phát triển 5G hàng đầu thế giới, cung cấp công nghệ hỗ trợ quá trình triển khai các mạng lưới không dây 5G, một thứ mà chính phủ Mỹ rất muốn kiểm soát để khẳng định vị thế số 1 của mình trên thị trường quốc tế. Bởi 5G được đánh giá là sẽ tạo ra làn sóng công nghệ làm thay đổi nền kinh tế mới, ví dụ như xe tự hành. 

Hàng loạt hãng công nghệ hàng đầu quay lưng với Huawei

Sau động thái của chính phủ Mỹ, hàng loạt những đối tác lớn, các hãng công nghệ hàng đầu thế giới đã quay lưng lại với Huawei. Đầu tiên, phải kể đến Google. Google đã giáng một đòn mạnh vào Huawei khi tuyên bố sẽ không cung cấp hệ điều hành Android cho các thiết bị của Huawei. Theo Bloomberg, gã khổng lồ Mỹ còn ngừng cung cấp cả phần cứng lẫn phần mềm cho Huawei. 

Thông tin này như “sét đánh ngang tai” đối với Huawei khi mà toàn bộ điện thoại thông minh của Huawei đều đang chạy trên hệ điều hành Android. Giờ đây, hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc cần phải đi tìm một hệ điều hành mới cho các thiết bị điện tử của mình. Điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất cũng như mục tiêu của Huawei là trở thành công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

Sau Google, tới các hãng công nghệ khác của Mỹ là Intel, Qualcomm, Broadcom và Xilinx đồng loạt nói lời “chia tay” với Huawei. Trong đó, Intel hiện là nhà cung cấp chip lớn nhất cho các máy chủ của Huawei. Qualcomm bán cho công ty Trung Quốc các bộ xử lý và modem trên nhiều mẫu smartphone. Xilinx cung cấp chip lập trình sử dụng trong thiết bị viễn thông. Còn Broadcom cung cấp chip chuyển mạch, một linh kiện rất quan trọng đối  với các dòng sản phẩm của Huawei. Điều này đồng nghĩa với việc Huawei sẽ không được sử dụng hệ điều hành Android cùng những thiết bị phần cứng, bản quyền công nghệ do các công ty Mỹ sở hữu. 

Chưa dừng lại ở đó, Huawei lại tiếp tục lao đao khi bị Facebook, trang mạng xã hội hàng đầu thế giới quay lưng. Theo Reuters, Facebook không cho phép cài đặt sẵn các ứng dụng của mình (bao gồm Facebook, Instagram và WhatsApp) lên trên điện thoại Huawei trước khi bán ra. Khách hàng vẫn có thể tự mình cài đặt ứng dụng này trên thiết bị Huawei, nhưng khi mua máy, Facebook, WhatsApp và Instagram sẽ không được cài sẵn như trước. 

Sau mảng di động, những chiếc máy tính Huawei là đích đến tiếp theo của lệnh cấm vận từ Mỹ. Theo đó, Huawei sẽ không được sử dụng hệ điều hành Windows do Microsoft phát triển. Reuters cho hay, Microsoft hồi cuối tháng 5 đã ra thông báo sẽ tạm ngưng nhận đơn đặt hàng mới từ Huawei. Với quyết định này, các lĩnh vực mà Huawei và Microsoft đang hợp tác bao gồm giấy phép sử dụng Windows và các dịch vụ nội dung đều sẽ bị phía công ty Mỹ đình chỉ. Đây quả thật là một mất mát lớn đối với hãng công nghệ Trung Quốc khi cùng lúc bị hạn chế việc phát triển các thiết bị điện thoại thông minh lẫn máy tính.

 Không chỉ Mỹ, nhiều công ty lớn của các quốc gia khác trên thế giới cũng đã quyết định “nghỉ chơi” với Huawei. Trong số đó phải kể đến công ty ARM của Anh. ARM được ví von là cánh tay đắc lực của những nhà sản xuất điện thoại (trong tiếng Anh, “arm” có nghĩa là “cánh tay”). Nó cũng được xem là “mạch máu” trong thiết bị di động, chịu trách nhiệm cho nhiều hoạt động của đại đa số smartphone hiện nay trên thị trường. Các tập lệnh và kiến trúc mà ARM tạo ra đều có trên hầu hết smartphone. Bên cạnh đó, ARM còn chịu trách nhiệm thiết kế CPU và GPU được sử dụng trong phần lớn điện thoại trên toàn thế giới. Ngoại trừ Apple, hầu như mọi nhà sản xuất chip di động đều dùng bản quyền của ARM cho sản phẩm của họ, kể cả Qualcomm, MediaTek, Samsung và tất nhiên là cả Huawei. Có thể nói, bất kỳ smartphone nào tồn tại trên thị trường đều có một phần công nghệ của ARM. Có thể nói, việc ARM ngừng hợp tác là “cú đánh” đau nhất đối với hãng điện thoại Trung Quốc.

Hàn Quốc cũng tận dụng cơ hội này để vượt lên Huawei trong cuộc chiến công nghệ. Samsung dường như còn muốn đẩy đối thủ của mình vào thế bí hơn nữa khi cho người dùng smartphone Huawei đổi lấy Galaxy S10. Động thái này khiến Huawei ngày càng trở nên lao đao. Tiếp đến, hãng công nghệ Nhật Bản Panasonic cũng đã tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei và cho biết: “Chúng tôi dừng tất cả giao dịch kinh doanh với Huawei và nhóm 68 công ty nằm trong lệnh cấm của Mỹ”. Hãng viễn thông khổng lồ Telefonica của Tây Ban Nha sở hữu nhà mạng di động O2 tại Anh cho biết cũng “đang xem xét” về lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei. Nhiều khả năng đây sẽ là công ty tiếp theo “nghỉ chơi” với ông lớn công nghệ Trung Quốc.

Nỗ lực chống chọi của "ông lớn" công nghệ Trung Quốc Huawei sau lệnh cấm vận từ Mỹ ảnh 2Đại diện Huawei giới thiệu những công nghệ điện thoại mới

Động thái của Huawei sau sự việc 

Sau khi nhận lệnh cấm từ chính phủ Mỹ và bị hàng loạt những đối tác lớn “nghỉ chơi”, Huawei dường như đã lâm vào đường cùng. Song, những việc đó chưa đủ để đánh bật ông lớn công nghệ Trung Quốc. Huawei đã tự mình tìm một con đường riêng để tồn tại trong cuộc chiến này và nỗ lực khẳng định vị trí với tư cách là một trong những hãng công nghệ hàng đầu thế giới. 

Việc đầu tiên Huawei thực hiện để cải thiện tình trạng hiện nay là nghiên cứu ra mắt một hệ điều hành mới, có tên Hongmeng, thay thế cho hệ điều hành Android đã bị Google cấm sử dụng. Động thái mới nhất này của Huawei đã được thông báo vào ngày 13-6 vừa qua, sau khi trang Reuters đưa tin, hệ điều hành này đã được công ty áp dụng, thử nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Dữ liệu từ cơ quan Mỹ cho thấy Huawei đang hướng tới phát triển một thương hiệu hệ điều hành mới tại ít nhất 9 quốc gia và khu vực châu Âu. Đây được xem là động thái cho thấy Huawei đang triển khai một kế hoạch dự phòng tại các thị trường trọng điểm, khi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đe dọa mô hình kinh doanh của họ. Andrew Williamson, Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông của Huawei cho biết, Hongmeng đang được hoàn thiện và sẽ đạt được nhiều thành công. Đây được xem là bước đi đầu tiên của Huawei sau khi vấp phải hàng loạt những rắc rối từ lệnh cấm của chính phủ Mỹ.

Dữ liệu từ cơ quan Mỹ cho thấy Huawei đang hướng tới phát triển một thương hiệu hệ điều hành mới tại ít nhất 9 quốc gia và khu vực châu Âu. Đây được xem là động thái cho thấy Huawei đang triển khai một kế hoạch dự phòng tại các thị trường trọng điểm, khi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đe dọa mô hình kinh doanh của họ.