Những phi công Afghanistan tái định cư tại Mỹ mong ngày đoàn tụ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vào giữa tháng 8-2021, Belal Khohestani và các đồng đội trong Không đoàn đặc nhiệm Afghanistan đã bay thẳng qua biên giới tới Uzbekistan và Tajikistan, không để cho những thiết bị tiên tiến nhất của Không quân Afghanistan rơi vào tay Taliban. Kể từ đó đến nay, họ đã chờ đợi Mỹ di tản người thân nhưng tất cả các gia đình này đều đang mắc kẹt ở Kabul.

Đau đáu hướng về quê nhà

Belal Khohestani, cựu phi công của lực lượng tinh nhuệ bậc nhất Không quân Afghanistan, gần đây đã chuyển từ Virginia đến Chicago, tìm được nơi ở ổn định. Ông đang dần thích nghi với đất nước mới, nhưng điều thực sự ông mong muốn là có một gia đình đúng nghĩa tại Mỹ, cùng với vợ và 4 người con. Những người đó, chưa kể mẹ và hai em gái ông đang ở cách xa hàng nghìn dặm ở quê nhà Kabul. “Tôi đang bắt đầu từ con số 0 để làm lại cuộc đời mình, nhưng hiện giờ tôi gặp vấn đề lớn ở Afghanistan”.

Các phi công Afghanistan từng kề vai sát cánh với đặc nhiệm Mỹ (Trong ảnh: Cựu binh Drew Horn (đứng giữa) tại chiến trường Afghanistan)

Các phi công Afghanistan từng kề vai sát cánh với đặc nhiệm Mỹ (Trong ảnh: Cựu binh Drew Horn (đứng giữa) tại chiến trường Afghanistan)

Khohestani là cựu đại tá không quân với hơn 3.000 giờ điều khiển trực thăng Mi-17 của Nga và 200 giờ lái Black Hawks. Ông đã dặn gia đình mình đợi ở bên ngoài sân bay quốc tế Kabul chờ Mỹ và đồng minh sơ tán. Nhưng vụ đánh bom liều chết tại Cổng Abbey vào ngày 26-8-2021 khiến 13 quân nhân Mỹ và nhiều người Afghanistan thiệt mạng đã làm tiêu tan mọi hy vọng của Khohestani về việc đoàn tụ cùng người thân. Ông cảm thấy xấu hổ vì đã bỏ lại gia đình mình. “Hiện giờ tất cả mọi người đều phải thay đổi chỗ ở liên tục vì sợ bị truy lùng”, người đàn ông này nói. Bất chấp những lời hứa ân xá của Taliban, Khohestani vẫn lo sợ những người thân yêu của mình sẽ bị trả thù.

Một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các cựu phi công ưu tú của quân đội Afghanistan này có thể là một cuộc đoàn tụ gia đình, nhưng họ phải đối mặt với 2 tương lai mờ mịt hơn: Tương lai của họ ở một đất nước mới và tương lai của gia đình ở một đất nước mà họ không thể quay trở lại.

Hashmatullah Ahmadzai, một phi công trực thăng thuộc Không đoàn đặc nhiệm Afghanistan đã không gặp vợ và con trai trong hơn 4 tháng nay. Ông kể, thời điểm khó khăn nhất là ngay sau khi ông đến Uzbekistan, vì bị tịch thu điện thoại, mỗi lần gọi điện về nhà, gia đình họ chỉ kịp nói chuyện với nhau 3 phút và may mắn là vẫn giữ liên lạc trên các dịch vụ nhắn tin. Vì sự an toàn của mình, Ahmadzai cho biết gia đình ông thường xuyên di chuyển. Cha và các anh trai của ông cũng ở trong quân đội Afghanistan chiến đấu chống lại Taliban, điều đó khiến ông lo ngại không kém.

Tương lai trắc trở

“Đây là những người rất đau khổ và đại gia đình của họ cũng rất dễ bị tổn thương”, cựu binh Drew Horn, người đã 3 lần phục vụ chiến trường Afghanistan và làm việc cùng lực lượng biệt kích Afghanistan, cho biết. Ông Drew Horn nằm trong một nhóm người Mỹ, nhiều người trong số họ là cựu chiến binh, đang cố gắng tìm cách giúp các phi công Afghanistan đưa gia đình họ đến Mỹ. “Họ đã cứu mạng tôi và nhiều lính Mỹ khác. Họ đã ở đó vì chúng tôi trong giờ khắc nguy hiểm nhất khi đối mặt với kẻ thù, và chúng tôi cần làm điều tương tự cho họ”, ông Horn khẳng định.

“Belal Khohestani đã cứu mạng tôi 3 lần. Không chỉ là Belal, đó là toàn bộ đội đặc nhiệm của Không quân Afghanistan. Họ đã bảo vệ tôi cùng đồng đội hàng ngày”, cựu binh Peter Quinn kể. Thời gian qua, ông Quinn đã tích cực xin thị thực cho gia đình của Khohestani và các phi công quân sự Afghanistan khác rời Afghanistan, qua Pakistan, Ấn Độ và các địa điểm khác để họ có thể bắt đầu lên đường đến Mỹ. Quá trình này không hề dễ dàng, không có chuyến bay thẳng và từng người tị nạn Afghanistan phải trải qua quá trình sàng lọc, kiểm tra.

Sau khi quân đội Mỹ hoàn thành việc rút quân khỏi Afghanistan vào cuối tháng 8, các chuyến bay sơ tán tiếp sau do Qatar Airways và các hãng hàng không thương mại nước ngoài khác thực hiện đã bị chậm lại. Thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hồi cuối tháng 12-2021 cho biết, việc sơ tán những người Afghanistan cũng như công dân Mỹ và những người có thẻ xanh đang diễn ra nhưng có nhiều rủi ro.

“Mỹ là một đất nước tốt đẹp, có nền kinh tế tốt, công việc tốt, nhưng vẫn cần thời gian để làm cho cuộc sống của bạn tốt hơn”, Ahmadzai chia sẻ. Một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các cựu phi công ưu tú của quân đội Afghanistan này có thể là một cuộc đoàn tụ gia đình, nhưng họ phải đối mặt với 2 tương lai mờ mịt hơn: Tương lai của họ ở một đất nước mới và tương lai của gia đình ở một đất nước mà họ không thể quay trở lại.