Những nguyên nhân ít biết có thể khiến xe bốc cháy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ xe ô tô bốc cháy khi đang lưu thông. Vậy đâu là nguyên nhân và làm sao để hạn chế tình trạng này.

Sáng 16/2, tin từ UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho hay, trên địa bàn vừa xảy ra vụ cháy lớn khiến 1 xe tải và 1 xe container hư hại nặng.

Hiện trường vụ cháy xe tại Quảng Nam

Hiện trường vụ cháy xe tại Quảng Nam

Theo đó vào khoảng 20 giờ ngày 15/2, xe tải mang BKS 92C-048.91 do Nh Nguyễn Quang Bảo (SN 1991, trú xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) điều khiển đến trước cây xăng Tuyết Mai (QL 1A, đoạn qua thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) thì cho xe đỗ sát lề.

Trên xe lúc này chở hàng tạp hóa, cạnh xe tải có xe container BKS 43H-025.09, kéo theo rơ-mooc 43R-036.33 do tài xế Nguyễn Thế Truyền (SN 1990, trú xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) đỗ trước đó.

Đến 3 giờ ngày 16/2, nhân viên cây xăng nghe tiếng nổ lớn phát ra từ xe tải đậu phía trước nên chạy ra kiểm tra. Khi tiến đến, nam nhân viên phát hiện lửa bốc ra từ đầu xe tải rồi nhanh chóng cháy lan qua xe container đậu bên cạnh.

Trước đó vào ngày 8/2/2023, chiếc ô tô Audi lưu thông trên đường Láng (Hà Nội) bất ngờ bốc cháy ở phần đầu. Lái xe cùng một số nhân viên ở cây xăng gần đó dùng bình cứu hỏa dập lửa. Ít phút sau, đám cháy được dập tắt.

Một trường hợp khác là vào hồi 3h sáng ngày 10/2/2023, xe khách giường nằm chở 21 khách chạy trên quốc lộ 51 từ TP Vũng Tàu tới TP HCM bị cháy. Lái xe dừng xe vào lề, cùng phụ xe hô hào khách thoát được ra ngoài. Sau vài phút, ngọn lửa trùm toàn bộ ôtô rồi bắt sang cả hàng dây điện ven đường và nguy cơ cháy lan các nhà dân lân cận. Lực lượng Cảnh sát PCCC Đồng Nai đã phải điều động nhiều xe chuyên dụng đến dập lửa. Đám cháy không gây thiệt hại về người, song ôtô và nhiều tài sản của hành khách đã bị hủy, không thể cứu chữa.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, có nhiều nguyên nhân dân đến xe ô tô bị bốc cháy.

Thứ nhất là do chập điện. Đây được xem là nguyên nhân thường thấy trong các vụ nổ cháy xe ôtô. Khi xe có dấu hiệu chập điện, tia lửa điện được phóng ra, ngọn lửa sẽ nhanh chóng bùng lên nếu như gặp ngay các đồ vật dễ cháy, dù có diện tích hay dung tích nhỏ.

Ngoài ra, những xe cũ, sử dụng lâu năm và những xe hoạt động với cường độ lớn thường phát sinh nhiệt, hệ thống nhiên liệu rò rỉ, hệ thống ống xả không kín cũng thường gây ra hiện tượng cháy. Nhiều trường hợp xe ô tô bốc lửa còn do rơm rạ hay vật dễ cháy mắc vào phần cổ ống xả.

Dây cao áp của bộ phận đánh lửa được đánh giá là khá “nhạy cảm” ở khu vực khoang xe. Hệ thống này cũng dễ gặp vấn đề khi dùng lâu ngày và nguy hiểm hơn nếu được thay thế bằng loại chất lượng thấp. Nhiệt độ cao, áp lực điện tải, đường dây cao áp dễ bị rạn nứt và “nhóm lửa” cho các đồ dùng bằng cao su hay nhựa gần đó.

Bản thân động cơ quá không thể tự bốc cháy. Vậy nhưng động cơ quá nóng lại làm cho các vòng đệm xung quanh bằng cao su hoặc nhựa dẻo có thể bị hỏng làm cho các chất lỏng bên trong động cơ như nhiên liệu, dầu, chất làm mát có thể rò rỉ ra ngoài. Các chất lỏng này hoàn toàn có thể bốc cháy khi rơi xuống các bộ phận khác như ống thoát khí.

Bên cạnh đó tưởng chừng vô lý, nhưng trên thực tế vào mùa lạnh, động vật sẽ có xu hướng tìm vào những nơi ấm làm ổ. Bên trong động cơ xe là một địa điểm lý tưởng cho chúng. Thói quen cắn phá dây từ loài động vật, vô tình gây nên sự rò rỉ và việc cháy nổ là điều thiết yếu xảy ra.

Khi xe bị va chạm mạnh như những cú đâm xe, nhiên liệu có thể bị rò rỉ vào chỗ nóng của động cơ hoặc tia lửa điện ngẫu nhiên xuất hiện sẽ làm cho xe bốc cháy. Do đó, khi va chạm xảy ra, chúng ta phải tìm mọi cách nhanh chóng thoát khỏi xe và tránh xa một khoảng cách an toàn.

Một nguyên nhân rất hay gặp ở Việt Nam mà ít người để ý đó là những túi ni-lon bay ngoài đường vô tình bị cuốn vào gầm máy. Khi gặp nhiệt độ cao sẽ dễ dàng gây cháy.

Để phòng ngừa cháy ô tô, người chủ phương tiện, lái xe cần quan tâm chăm sóc, bảo dưỡng toàn bộ xe định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo chiếc xe luôn vận hành trơn tru, an toàn; thường xuyên tự kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện định kỳ, phòng tránh hiện tượng chập điện. Đặc biệt, cần tránh đấu nối dây điện không đúng kỹ thuật, hạn chế việc đấu nối thêm phụ tải điện trên xe vì có thể gây quá tải cho hệ thống điện của xe.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, chăm sóc để tầm soát hiện tượng rò rỉ nhiên liệu xăng, dầu… bởi đây là nguồn dễ bắt lửa gây cháy.

Trong quá trình di chuyển, chủ xe, tài xế cần lưu ý, tránh rơm, rạ quấn vào xe, tạo ma sát cao gây cháy. Lưu ý không để các vật liệu, hàng hóa dễ cháy, nổ như hóa chất dưới gầm xe, đồ cá nhân của khách hàng với xe khách và các vật dụng cá nhân gây nguy cơ cháy đối với xe con.

Để đảm bảo an toàn cho hành khách, việc đầu tiên mỗi xe khách phải trang bị bình cứu hỏa và chuẩn bị đầy đủ các thiết bị phá cửa kính được đặt ở nơi dễ nhìn thấy, dễ lấy và đặc biệt nhà xe phải có trách nhiệm hướng dẫn hành khách sử dụng thiết bị thoát nạn mỗi khi lên xe.