Những người chuẩn bị cho “ngày tận thế” ở Singapore

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong văn hóa nhân loại, nhiều người luôn sẵn sàng cho “ngày tận thế” với đủ cách dự phòng, từ tích trữ thức ăn, rèn luyện kỹ năng sống đến xây boongke dưới lòng đất. Tuy nhiên, ở Singapore, có một cộng đồng luôn chuẩn bị sẵn cho các loại khủng hoảng khác như tai nạn, khói mù, hỏa hoạn, mất điện và đại dịch…

Nếu nhà chung cư bị cháy, bạn có thang để giúp gia đình trèo ra ngoài không? Là một người lo xa, ông Samuel 50 tuổi đã sẵn sàng cho những điều như thế. Đặt tình huống hỏa hoạn xảy ra và cả gia đình không thể thoát qua cửa chính, Samuel cùng vợ, 2 con trai và mẹ vợ của ông sẽ phải đeo dây an toàn, móc thang lên gờ cửa sổ và trèo xuống bên dưới căn hộ ở tầng 5 của họ. Hay hồi tháng 2-2020, khi đại dịch Covid-19 được xác định là bệnh về hô hấp, Samuel đã mua 2 bình ôxy đề phòng trường hợp thành viên trong gia đình bị lây nhiễm và cần thở ôxy trong khi chờ bác sĩ. Những người như Samuel thuộc về một cộng đồng người có tính lo xa, đề cao việc tự bảo vệ bản thân trước khủng hoảng ở Singapore

Ông Samuel và con trai trong gian phòng luôn sẵn đồ đề phòng thảm họa

Ông Samuel và con trai trong gian phòng luôn sẵn đồ đề phòng thảm họa

Căn hộ chật ních đồ dự phòng

Ông Samuel bắt đầu tích trữ và dự phòng từ thời kỳ bùng phát Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS) vào năm 2003, sau khi cảm thấy mình không chuẩn bị được gì dù đã có con nhỏ. “Tôi cảm thấy bất lực. Tôi bắt đầu đặt hàng trực tuyến, tích trữ các thiết bị bảo vệ cá nhân. Nó khiến tôi nhận ra rằng mình cần phải chuẩn bị cho lần tới, cho bất cứ điều gì xảy ra sau đó. Vì hai con trai của tôi, bây giờ tôi phải nghiêm túc chuẩn bị”, ông Samuel nói. Nhà phân tích tài chính này cho biết, ông lấy cảm hứng từ nhân vật “người đàn ông thứ 10” từ bộ phim Thế chiến Z. Đó là người chuẩn bị cho tình huống xấu nhất mà 9 người khác không tin có thể xảy ra.

Trong căn hộ 3 phòng ngủ, gia đình ông Samuel dự trữ thực phẩm đóng hộp và các đồ không dễ hỏng khác đủ dùng tới 2 tháng, cũng như khoảng 600 đôla Singapore cho thiết bị bảo hộ như găng tay, kính bảo hộ, khẩu trang và ít nhất 500 tấm che mặt. Người đàn ông này cũng tích trữ những can xăng rỗng, chúng sẽ được đổ đầy trong trường hợp bị hạn chế ra vào các trạm xăng vì xảy ra trường hợp khẩn cấp. Phía sau mỗi cánh cửa trong nhà đều treo một bình chữa cháy mini.

Dọc hành lang dẫn vào các phòng ngủ, một đầu báo khói được dán lên trần nhà bằng băng keo. Băng này cũng cố định các dây dẫn của bảng điều khiển đèn năng lượng mặt trời trong phòng tắm trong trường hợp mất điện.

Để ứng phó với hiện tượng khói mù hàng năm, mỗi phòng trong nhà đều có một thiết bị đo mức độ hạt vật chất. Bất cứ khi nào chỉ số tăng lên, ông Samuel lại đóng cửa sổ và cửa phòng, đồng thời bật máy lọc không khí. Vì sống trong “vùng báo động đỏ” vì bệnh sốt xuất huyết nên ông sắm đèn đuổi muỗi di động khắp nhà.

Trong tủ các cậu con trai trong nhà là túi sinh tồn của mỗi thành viên trong gia đình, thường xuyên được ông bố bổ sung. Trong trường hợp khẩn cấp, mỗi người sẽ mang 1 túi có đủ các vật dụng giúp họ sống sót trong khoảng 72 giờ: Thuốc và bông băng, đồ ăn sẵn, chai nước, áo mưa, giấy tờ tùy thân và đài kiêm đèn chạy bằng năng lượng mặt trời. Túi của Samuel còn có một chiếc điện thoại GPS có thể dựa vào vị trí vệ tinh để kích hoạt thiết bị theo dõi.

Người ta có thể nghĩ rằng việc liên tục đề phòng những trường hợp khẩn cấp khiến Samuel rất căng thẳng, nhưng không hẳn vậy. “Tôi có một chiếc mặt nạ đặc biệt giống như một chiếc mũ trùm đầu, có thể thở bình thường dù bên ngoài đầy khói. Nó mang lại cho tôi sự thoải mái cao độ, và không tốn nhiều, chỉ khoảng 50 đôla”, ông kể.

Là tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ Singapore, vợ chồng Michael và Debbie Lim có vài bộ sơ cứu trong nhà

Là tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ Singapore, vợ chồng Michael và Debbie Lim có vài bộ sơ cứu trong nhà

Hành trang chuẩn bị

Đối với Ashton Law, một người luôn sẵn sàng cho các tình huống khủng hoảng, kỹ năng sinh tồn là một yếu tố đặc biệt quan trọng khi mà nhiều người dân tự mãn về độ an toàn ở Singapore. Trước đây, anh từng tham gia các hoạt động an ninh tư nhân, giờ đây, huấn luyện viên 34 tuổi này dạy các nhóm khác nhau - từ người lớn đến trẻ nhỏ 5 tuổi - cách nhóm lửa, lập nơi trú ẩn bằng cành và lá cây cũng như các kỹ năng sinh tồn trong rừng khác. Ashton Law đã dạy cho cậu con trai 7 tuổi của mình kỹ năng “chống bắt cóc” mà rất may cậu bé chưa bao giờ phải sử dụng: Đứa trẻ sẽ túm lấy chân của kẻ bắt cóc rồi la hét cầu cứu. Vì không muốn thu hút sự chú ý của người khác, kẻ bắt cóc có thể sẽ thả đứa trẻ.

Khía cạnh tâm lý của chủ nghĩa sinh tồn này cũng là điều mà trung tâm có tên Forest School chú ý tới thông qua các phương pháp “giáo dục thay thế” của mình. “Giả sử một cơn sóng thần bao trùm Singapore và bạn không thể tiếp cận với thực phẩm. Bạn sẽ có thể... sống ngoài đất liền? Nếu từng trải qua quá trình rèn luyện cá nhân do Forest School tạo điều kiện, tôi có thể tự tin nói với bạn rằng… bạn sẽ sống”, Ben Yang, 32 tuổi, hướng dẫn viên tình nguyện của Forest School nói. Với họ, độc lập, tự học và tò mò là cách sống tích cực, bất kể học viên sau này có phải là người lo xa hay không.

Thông thường, những người tự kích hoạt bản năng sinh tồn tham gia vào một số công việc nhân đạo ở một mức độ nào đó, đặc biệt là vì kỹ năng và hành trang có được sẽ rất hữu ích trong các thảm họa. Bởi vậy, khoảng 150 thành viên của cộng đồng “Meetup” hội tụ những người thích lo xa thường có các chuyên môn bổ sung như kỹ năng về dao, chuyên môn về máy bay và thậm chí là kỹ năng lập kế hoạch tài chính. Michael Lim và vợ anh Debbie là tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ Singapore, nơi Michael làm quản lý phát triển chương trình. Phần lớn công việc của anh là giảm thiểu rủi ro thiên tai, nhưng anh đã chuẩn bị tốt cho những cuộc khủng hoảng với Every Day Carry - phiên bản chiếc túi sinh tồn hàng ngày. Chính vì thế, Michael từng sơ cứu cho một người đi xe đạp bị tai nạn hay giúp người bị hạ thân nhiệt giữa đường. Tham gia cộng đồng người lo xa, các tình nguyện viên có thể chia sẻ thông tin và cùng nhau giúp đỡ người khác. Là người thường xuyên sử dụng ứng dụng myResponder, Michael và Debbie đã tham gia nhóm 7 người có mặt cứu sống một người bị ngừng tim cách đây vài năm.

Đối với Samuel, không chỉ tình nguyện trong nước, ông còn thường xuyên tham gia các chuyến cứu trợ nhân đạo ở nước ngoài. Ông cất giữ các vật dụng cho những chuyến đi này trong một kho chứa đồ xa nhà. Trong số đó có hệ thống lọc nước di động, lều, đèn chạy bằng năng lượng mặt trời với nhiều kích cỡ khác nhau và một số bữa ăn sẵn. Ở đó cũng có sẵn 1 hộp khoảng 10 túi đựng thi thể, mà ông mua trực tuyến sau khi trở về từ Palu, Indonesia, nơi xảy ra động đất kinh hoàng năm 2018. Cảnh tượng xác chết la liệt khiến ông nghĩ đến một thảm họa mà rất có thể ông sẽ phải chôn cất các thành viên trong gia đình mình.

“Không ai trong số người dân trong vùng thiên tai nghĩ rằng họ sẽ ở trong tình huống đó. Điều đó khiến tôi nhận ra tầm quan trọng của việc chuẩn bị và không coi mọi thứ là điều bất ngờ. Thật là ngây thơ khi nghĩ rằng chúng ta sẽ không bao giờ ở trong hoàn cảnh của họ”, ông Samuel nói.

Mặc dù vậy, việc chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất có thực sự cần thiết? Cứ nhìn vào những thứ mà ông Samuel tích trữ, có người tự hỏi tại sao lại phải mua trước những món đồ mà rất có thể họ sẽ không bao giờ sử dụng và việc chuẩn bị như vậy có lãng phí tiền bạc hay không. Nhưng cậu con trai 16 tuổi của Samuel, Hanson, không cho rằng hành động của cha mình là phi logic. “Ông ấy làm điều này là vì chúng tôi. Ông ấy chỉ mua rất nhiều thứ trong kho và đôi khi có thể đi quá đà, nhưng đó là chuẩn bị cho điều bất ngờ xảy tới. Đó là một tư duy rất tốt cần có”.

Điều quan trọng là, dù Samuel đã chi bao nhiêu tiền để chuẩn bị cho đồ dự phòng thì ông vẫn không mong chúng được sử dụng. “Mọi người cứ nói rằng thật lãng phí tiền bạc và lo hão huyền, nhưng bản thân chúng tôi muốn làm việc đó. Trên thực tế, tôi hy vọng mình không phải sử dụng chúng”.

“Mọi người cứ nói rằng thật lãng phí tiền bạc và lo hão huyền, nhưng bản thân chúng tôi muốn làm việc đó. Trên thực tế, tôi hy vọng mình không phải sử dụng chúng”.

Ông Samuel (một người Singapore luôn sẵn sàng cho mọi tình huống khủng hoảng có thể xảy ra)