Những hệ lụy của xung đột Israel - Hamas với nền kinh tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không chỉ gây ra con số thương vong ngày một lớn cho cả hai phía cũng như đẩy hàng triệu người Palestine tới bờ vực của một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel đang phủ bóng u ám lên nền kinh tế toàn cầu vốn vừa thoát khỏi cú sốc do đại dịch Covid-19 nhưng còn chịu tác động của xung đột ở Ukraine.

Cảnh báo về chuỗi cung ứng dầu mỏ

Phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị thường niên “Sáng kiến đầu tư tương lai” diễn ra từ ngày 24 đến 26-10 tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia với sự tham dự của khoảng 6.000 đại biểu bao gồm lãnh đạo nhiều nước cùng các giám đốc ngân hàng trên thế giới, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga nhận định, xung đột giữa lực lượng Hamas - Israel có thể giáng đòn “nghiêm trọng” đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu. Theo Chủ tịch WB, những gì diễn ra gần đây tại Israel và Dải Gaza đang tác động nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế thế giới, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng thế giới đang ở trong thời điểm “rất nguy hiểm”.

Những nhận định mang tính cảnh báo trên của Chủ tịch WB được đưa ra khi cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas ngày càng khốc liệt và nguy cơ lan rộng đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông và tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc xung đột mới nhất này tại Trung Đông có thể tạo thêm các thách thức mới với kinh tế toàn cầu vốn phải chịu những cú sốc lớn nối tiếp nhau là đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine.

Trước WB, một định chế tài chính hàng đầu thế giới khác là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng có những nhận định, đánh giá tương tự. Tại Hội nghị mùa thu của IMF và WB diễn ra trung tuần tháng 10, các quan chức cấp cao và Bộ trưởng Tài chính các nước đều bày tỏ lo ngại về nguy cơ căng thẳng lan rộng trong khu vực Trung Đông sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới vốn đang phục hồi yếu ớt.

Lên tiếng dịp này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo về hậu quả to lớn nếu cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông. Người đứng đầu ngành tài chính của Pháp đã nêu ra những nguy cơ với kinh tế thế giới, từ giá năng lượng tăng cao thúc đẩy lạm phát cho đến sự sụt giảm niềm tin của giới đầu tư.

Một trong những lo ngại lớn với thế giới là nguy cơ cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas - Israel leo thang và lan rộng ra khu vực Trung Đông được xem là “rốn dầu” của thế giới. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Cairo ngày 21-10 vừa qua, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani đã cảnh báo rằng, nguồn cung dầu ở Trung Đông cho thị trường quốc tế có thể bị gián đoạn nếu xung đột

Israel - lực lượng Hamas leo thang đến mức lôi kéo các nước khác trong khu vực. Theo đó, cuộc xung đột sẽ “tác động đến an ninh toàn cầu, leo thang xung đột trong khu vực, gây nguy hiểm cho nguồn cung cấp năng lượng, làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng kinh tế và tạo ra thêm xung đột”.

Cảnh báo của người đứng đầu Chính phủ Iraq hoàn toàn có cơ sở khi vừa qua có những lo ngại rằng, các quốc gia Trung Đông xuất khẩu dầu có thể cắt giảm sản lượng xuất sang các nước phương Tây để đáp trả cuộc tấn công trên bộ tiềm tàng của Israel vào Dải Gaza. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian vào ngày 19-10 đã làm thị trường năng lượng thế giới “dậy sóng” khi kêu gọi các nước Hồi giáo áp đặt lệnh cấm vận dầu “ngay lập tức và toàn diện” đối với Israel. Trước đó, các quốc gia Hồi giáo Arab vào năm 1973 từng cấm vận dầu mỏ đối với Mỹ và các quốc gia khác ủng hộ Israel và điều này đã dẫn đến tình trạng xếp hàng dài tại các máy bơm xăng, gây ra tác động kinh tế nghiêm trọng.

Lo ngại về cú sốc kinh tế tiếp theo

Nếu như nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu mỏ còn chưa rõ nét thì điều lo lắng nhất hiện nay là giá nguồn đầu vào thiết yếu và sống còn với nền kinh tế toàn cầu này tăng cao. Theo các nhà phân tích, tất cả các kịch bản xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel đều có thể đẩy giá dầu tăng kỷ lục, lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu mỏ thế giới có thể tăng lên mức 150 USD/thùng.

Hậu quả rõ ràng hơn của xung đột giữa lực lượng Hamas - Israel đối với nền kinh tế toàn cầu có thể phải mất một thời gian mới thấy rõ, song tác động sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu xung đột lan sang các khu vực, quốc gia khác ở Trung Đông, đặc biệt là Iran. Iran hiện là một quốc gia xuất khẩu dầu lớn của thế giới và luôn ủng hộ Phong trào Hồi giáo Hamas. Sự leo thang hơn nữa của cuộc xung đột có thể cuốn các quốc gia xuất khẩu dầu khác ở Trung Đông vào vòng xoáy của nó và điều này có tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với nền kinh tế toàn cầu vốn rất nhạy cảm với bất kỳ biến động nào của giá dầu mỏ.

Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol cho rằng, trong bối cảnh thị trường dầu mỏ quốc tế không ổn định, cuộc xung đột Israel - Hamas có thể đẩy giá lên cao hơn. Theo Giám đốc IEA, “đó chắc chắn là tin xấu đối với tình hình lạm phát hiện nay” và các nước đang phát triển dựa vào dầu thô và sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu sẽ bị tổn thương nặng nề nhất.

Một khi giá dầu mỏ leo thang, nền kinh tế toàn cầu sẽ lập tức bị bao trùm bởi mối đe dọa lạm phát tăng cao. Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế lớn khác là những nước nhập khẩu dầu lớn, có thể phải gánh chịu thêm lạm phát nhập khẩu cao nếu giá dầu tiếp tục tăng. Khi giá dầu tăng, chi phí sản xuất của nhiều ngành công nghiệp và chi phí năng lượng của doanh nghiệp cũng như hộ gia đình đều tăng cao, khiến lạm phát tăng cao. Giá năng lượng cao và xu hướng lạm phát mới có thể làm suy yếu nỗ lực của các ngân hàng Trung ương quốc gia trong việc kiểm soát lạm phát. Điều này có thể khiến lãi suất tiếp tục ở mức cao trong thời gian dài.

Những lo ngại về lãi suất cao hơn đang làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết, sẽ có thêm đợt tăng lãi suất nữa và lãi suất có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn, đã giáng đòn mạnh vào hy vọng của các nhà đầu tư rằng các đợt tăng lãi suất đã lên đến đỉnh điểm và các ngân hàng Trung ương nhiều quốc gia có thể bắt đầu tính đến việc cắt giảm lãi suất.

Bên cạnh mối lo lạm phát, cuộc xung đột Israel- Hamas còn tác động xấu tới thị trường chứng khoán khắp nhiều khu vực khi các nhà đầu tư chuyển sang tài sản trú ẩn an toàn hơn như các đồng ngoại tệ mạnh và ổn định, đặc biệt là vàng. Các nhà đầu tư hiện vẫn tỏ ra thận trọng theo dõi thị trường, nhưng trường hợp xung đột khốc liệt hơn và lan rộng, họ khả năng sẽ chuyển tiền sang mua vàng.

Những ngày qua, các đồng ngoại tệ mạnh như USD và đồng yên Nhật cũng đã tăng giá cao hơn. Diễn biến sắp tới của cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và lực lượng Hamas khó có thể lường trước. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất là leo thang và lan rộng ra các nơi khác ở Trung Đông thì cảnh báo của Chủ tịch WB Ajay Banga rất có thể trở thành hiện thực và kinh tế toàn cầu sẽ phải chịu thêm đòn giáng “nghiêm trọng” sau các cú sốc lớn đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine.