Những đôi dép “biết nói”

ANTĐ - Vụ việc xảy ra từ tháng 11-2010, nam sinh với tên gọi tắt là AAL bị cáo buộc đánh cắp đôi dép xỏ ngón của Ahmad Rusdi Harahap, nhân viên cảnh sát tại quận Palu, tỉnh Trung Sulawesi. 

Sau đó, Rusdi và một đồng nghiệp đã tra hỏi, đánh đập cậu bé trong nhà giam và buộc AAL phải nhận tội. Năm ngoái, cảnh sát mới đưa ra cáo buộc cuối cùng. AAL phải đối mặt với án 5 năm tù giam nhưng tòa án địa phương hôm 4-1-2012 tuyên án nam sinh này được trả về gia đình quản lý dù vẫn bị cho là có tội.

Điều gì đã khiến tòa án đưa ra quyết định “tréo ngoe” như vậy? Các bằng chứng chống lại cậu bé này không thuyết phục: Không ai chứng kiến ​​cậu bé lấy đôi dép xỏ ngón và đôi dép mà cậu ta bị tịch thu có thương hiệu Eiger, không phải “Andos” như chủ sở hữu khai báo. Phiên xét xử vụ án này đã khiến dư luận Indonesia sục sôi.

Để phản đối các cáo buộc chống lại cậu bé, một chiến dịch thu thập dép xỏ ngón lan khắp Indonesia những ngày cuối năm 2011. Sinh viên, giáo viên, công nhân xây dựng, người điều khiển phương tiện giao thông công cộng và các luật sư đều mang dép đến góp tại những trung tâm được thiết lập trên khắp cả nước. Phong trào nhanh chóng lan rộng do lời kêu gọi được phát đi qua điện thoại di động hay phương tiện Internet Facebook và Twitter. 

Theo lời một người tham gia, dép thu thập được sẽ gửi cho nhân viên cảnh sát kêu mất trộm “để anh ta không cần phải mua dép trong suốt phần đời còn lại của mình”. Ban tổ chức cũng tuyên bố chiến dịch chỉ kết thúc khi AAL được tha bổng. Sau đó, để bày tỏ thất vọng về phán quyết trên, dép xỏ ngón cũng được gửi đến các tổ chức chính phủ khác nhau như cảnh sát quốc gia, Văn phòng Tổng chưởng lý, Tòa án Tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Nhân quyền, Trung tâm Giam giữ trẻ vị thành niên.

Câu chuyện cậu bé bị đưa ra xét xử trong khi chứng cứ không xác đáng đã trở thành ngòi nổ để dư luận đấu tranh chống sự bất công và việc trả tự do cho nam sinh này là dấu hiệu chứng tỏ sự phẫn nộ của công chúng có thể khiến các thẩm phán phải công tâm hơn. “Sự đồng lòng trong hành động của dân chúng cho thấy họ chỉ muốn công bằng” - Arist Merdeka Sirait, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ trẻ em Indonesia nói. 

Và đây cũng không phải là vụ việc đầu tiên ở Indonesia liên quan đến những bản án nặng dành cho tội phạm tuổi vị thành niên. Trước đó, một cậu bé ở Bali bị kết tội đánh cắp một ví tiền bên trong có 1.000 rupiah, hay Deli Suhandi, nam sinh 14 tuổi phải đối mặt với án tù 7 năm khi bị cáo buộc ăn trộm thẻ điện thoại trị giá 10.000 

rupiah mà em nhặt được trên đường. Có người đặt vấn đề tại sao vụ trộm đôi dép giá chỉ 30.000 rupiah (gần 3 USD) mà cũng phải đưa ra tòa xét xử, lẽ ra chính quyền nên lựa chọn biện pháp can thiệp thay vì có những biện pháp trừng phạt cay nghiệt như vậy.

Sau khi câu chuyện được báo chí địa phương đăng tải rầm rộ, hôm 5-1, một tòa án cảnh sát đã phạt nhân viên cảnh sát Ahmad Rusdi Harahap bị tạm giữ 21 ngày, cảnh báo bằng văn bản và một năm chậm thăng cấp vì lạm dụng quyền hạn. Đồng nghiệp của Rusdi có liên quan cũng bị khiển trách. Trong vụ này, có lẽ phản ứng từ phía dân chúng dữ dội hơn cũng bởi đôi dép bị mất là của một cảnh sát, lực lượng đã có nhiều hành vi bạo lực, tham nhũng, bất công thời gian gần đây. Tờ Jakarta Globe của Indonesia bình luận: “Hãy tưởng tượng nếu các cơ quan thi hành pháp luật giải quyết các vụ tham nhũng lớn cũng giống như họ đã làm với cậu bé bị nghi ăn trộm đôi dép của nhân viên cảnh sát thì đất nước này sẽ trong sạch đến thế nào”.