Những điểm mới trong dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, thay thế cho Quyết định 28/2014/QĐ-TTg. Dự thảo này đề xuất điều chỉnh giá bán điện cho các ngành sản xuất.
Dự thảo biểu giá bán lẻ điện có nhiều điểm mới

Dự thảo biểu giá bán lẻ điện có nhiều điểm mới

Tờ trình của Bộ Công Thương cho biết, theo Quyết định số 28, giá bán điện cho các ngành sản xuất được điều chỉnh căn cứ theo giá thành sản xuất, kinh doanh điện, phù hợp với biểu đồ phụ tải của các ngành sản xuất và cơ cấu sản lượng điện phát trong hệ thống điện.

Tuy nhiên, hiện nay, giá bán điện cho nhóm ngành này vẫn ở mức thấp hơn so với giá bán lẻ bình quân, trong khi sản lượng điện thương phẩm của nhóm khách hàng sản xuất chiếm tỷ trọng ngày càng cao.

Cụ thể, năm 2015, sản lượng điện thương phẩm dành cho nhóm khách hàng sản xuất là 56,29% thì đến năm 2018 đã tăng lên 59,1%; năm 2021 là 58,8% mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân cho sản xuất so với giá bán lẻ điện bình quân lại giảm qua các năm. Năm 2015 là 91,49%; năm 2018 còn 90,6% và năm 2021 là 90,7%.

Chưa kể, khi thực hiện điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất thì cần thiết phải điều chỉnh giá bán điện của các nhóm khách hàng khác để có thể cân đối được trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, đảm bảo giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo thẩm quyền.

Tại dự thảo này, Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh giá bán điện cho đối tượng là cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá bán điện cho nhóm khách hàng sản xuất, đồng thời xem xét để cân đối giá điện bình quân chung.

Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án điều chỉnh để lấy ý kiến các Bộ, ngành. Ngày 30-11-2022, Bộ Công Thương nhận được 66 văn bản góp ý trên tổng số 58 văn bản gửi ý kiến góp ý của Bộ, ngành, địa phương về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện (đạt tỷ lệ 41,77%).

Kết quả, phương án 1 (phần chênh lệch doanh thu bán điện thiếu hụt do bổ sung nhóm khách hàng cơ sở lưu trú du lịch vào giá thành sản xuất, được bù vào giá bán điện cho giờ thấp điểm của nhóm sản xuất) có 7/18 đơn vị lựa chọn, chiếm 38,9%; còn phương án 2 (phần chênh lệch doanh thu bán điện thiếu hụt được phân bổ cho tất cả các khách hàng sử dụng điện) được 11/18 đơn vị lựa chọn, chiếm tỷ lệ 61,1%.

Ngoài việc đề xuất cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 bậc xuống còn 5 bậc và tính toán áp dụng giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch, dự thảo còn cho rằng, cần điều chỉnh giá bán lẻ điện cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ vì trong những năm qua, giá bán điện cho nhóm khách hàng này cao đến hơn 1,5 lần so với giá bán lẻ điện bình quân.