Những dấu mốc quan trọng thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ - Triều Tiên

ANTD.VN - Mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đã có một thời gian dài “đóng băng” do những mâu thuẫn trong quá khứ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thế giới đã được chứng kiến những bước đi mới có nhiều triển vọng…

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ tại khu vực phi quân sự DMZ hôm 30-6-2019

Những căng thẳng từ 60 năm trước

Mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên bắt đầu xấu đi kể từ cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên kéo dài trong 3 năm từ 1950 đến 1953. Cuộc chiến đã khiến hàng triệu người thiệt mạng, trong đó có 36.000 binh lính Mỹ và nó chỉ kết thúc với một hiệp định đình chiến vào tháng 7-1953. Từ đó tới nay, hiện định này vẫn chưa được thay thế bằng một hiệp ước hòa bình khiến bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng căng thẳng. 

Kéo theo đó, Mỹ và Triều Tiên cũng có nhiều động thái thách thức hoặc trả đũa lẫn nhau làm cho quan hệ hai bên ngày càng xấu đi. Điển hình như vụ bắt giữ tàu USS Pueblo của Mỹ ngoài khơi bờ biển phía Đông Triều Tiên hồi tháng 1-1968. Vụ việc khiến 1 thủy thủ Mỹ thiệt mạng và 82 người khác bị bắt giam trong suốt 11 tháng trên lãnh thổ Triều Tiên. Chỉ tới khi Mỹ chịu ký cam kết thừa nhận con tàu của mình đã xâm nhập bất hợp pháp vào vùng lãnh hải Triều Tiên, những người này mới được thả. 

Mùa hè năm 1976 lại xảy ra vụ 2 binh lính Mỹ bị sát hại tại Khu phi quân sự (DMZ) khiến quan hệ các bên càng trở nên căng thẳng. Mỹ đã điều hàng loạt máy bay ném bom B-52 tiếp cận DMZ để đe dọa Triều Tiên. Chỉ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên thời kỳ đó là ông Kim Il Sung lên tiếng bày tỏ sự đáng tiếc về vụ sát hại, tình hình mới tạm dịu đi. Đây được coi là vụ tấn công nghiêm trọng nhất từng xảy ra tại khu vực này.

Hội nghị 6 bên với sự góp mặt của Mỹ, Triều Tiên, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga năm 2003

Nỗ lực cải thiện tình hình

Những mâu thuẫn trên đã đẩy quan hệ Mỹ - Triều vào tình trạng thù địch trong một thời gian dài dù 2 bên đã từng nhiều lần có ý định ngồi vào đàm phán, cải thiện tình hình, như việc cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tới Triều Tiên gặp gỡ ông Kim Il Sung năm 1994. Tại đây ông Carter và ông Kim đã có 2 vòng đàm phán kéo dài để thỏa thuận về vấn đề hạt nhân.

Sau đó, cựu Tổng thống Mỹ trở về Hàn Quốc và truyền đạt lại mong muốn tổ chức một cuộc gặp gỡ liên Triều của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Song kế hoạch đã đổ vỡ khi ông Kim Il Sung qua đời hồi tháng 7-1994 sau một cơn đau tim. Sau đó, con trai ông Kim Il Sung là Kim Jong Il đã tiếp quản vị trí của cha mình và tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa 2 miền Triều Tiên vào năm 2000, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện mà ngược lại còn xấu đi. 

Tháng 10-2000, cánh tay phải của ông Kim Jong Il là ông Jo Myong Rok đã đáp chuyến bay tới Mỹ, trở thành quan chức cấp cao Triều Tiên đầu tiên tới Mỹ kể từ sau chiến tranh. Tại đây, ông Jo Myong Rok đã gặp gỡ cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton để tìm cách cải thiện mối quan hệ. Vài tuần sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Madeleine  Albright cũng bay tới Triều Tiên để thu xếp một cuộc gặp mặt cho Tổng thống Bill Clinton. Thời gian này, xung đột 2 bên đã được giảm nhiệt cho tới khi Tổng thống George W. Bush nhậm chức hồi tháng 1-2001 với một chính sách cứng rắn với Triều Tiên khiến mối quan hệ lại xấu đi.

Đến năm 2003, Triều Tiên và Mỹ đã trở lại bàn đàm phán trong Hội nghị 6 bên với sự tham gia của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Trong các cuộc đàm phán liên tục kéo dài đến năm 2008, Triều Tiên đã dừng các hoạt động hạt nhân và vô hiệu hóa một số yếu tố cơ bản tại tổ hợp hạt nhân chính của mình để đổi lấy lợi ích an ninh, kinh tế và năng lượng. Nhưng các cuộc đàm phán đã bị phá vỡ trong bối cảnh tranh cãi về cách xác minh các bước vô hiệu hóa đó. Sau đó, Triều Tiên chính thức rút các cuộc đàm phán vào năm 2009 để phản đối. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump giơ cao tuyên bố chung được ký kết trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 1 tại Singapore tháng 6-2018

Bước tiến mới trong giải quyết mâu thuẫn

Mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị “đóng băng” trong thời gian dài, mãi tới những năm gần đây dưới thời Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, tình hình 2 bên mới được cải thiện đáng kể. Hai nhà lãnh đạo đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi quyết định ngồi vào bàn đàm phán hồi tháng 6-2018 để thảo thuận về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh này là “cuộc đàm phán của thế kỷ”. Phiên họp thượng đỉnh kết thúc với lễ ký một tuyên bố chung 4 điểm, trong đó nhà lãnh đạo Kim Jong-un tái khẳng định cam kết của mình đối với tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Đổi lại, Washington sẽ đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng, ngừng tập trận chung với Seoul trong giai đoạn đối thoại thiện chí giữa Mỹ và Triều Tiên. 

Hai nhà lãnh đạo đã cam kết vượt qua những căng thẳng và thù địch trong nhiều thập kỷ qua để mở ra một tương lai mới, xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Trump đã giơ cao bản tuyên bố chung, đánh dấu thời khắc lịch sử - một chiến thắng ngoại giao quan trọng của cả ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tiếp nối những thành công bước đầu của hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, hai nhà lãnh đạo tiếp tục tổ chức một cuộc đàm phán mới tại Hà Nội cuối tháng 2-2019 để tiến tới ký kết một thỏa thuận chung về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã có thời gian gặp  gỡ, trao đổi với nhau về vấn đề này và tỏ ra vô cùng lạc quan về khả năng một thỏa thuận mới sẽ được ký kết tại Hà Nội. 

Tuy nhiên, đi ngược lại những gì cả thế giới mong đợi, hội nghị thượng đỉnh lần 2 chưa đem lại kết quả này. Chia sẻ trong buổi họp báo sau hội nghị, Tổng thống Mỹ cho hay quan hệ giữa ông và Chủ tịch Triều Tiên vẫn vô cùng tốt đẹp, song hai bên đã có một thời gian dài mâu thuẫn sau hàng thập kỷ và đó không phải những vấn đề có thể được giải quyết trong ngày một ngày hai mà cần nhiều hơn thế. Ông nhấn mạnh, cuộc gặp này hoàn toàn không phải thất bại mà nó giúp ông và người đồng cấp Triều Tiên thấu hiểu nhau hơn. 

Mới đây nhất, hôm 30-6, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên đã có cuộc gặp bất ngờ ở khu vực phi quân sự DMZ trong chuyến thăm của ông Donald Trump tới đây. Theo lời Tổng thống Mỹ, tới tận hôm 29-6 ông mới gửi lời mời người đồng cấp Triều Tiên tới tham dự chuyến viếng thăm của mình ở làng đình chiến Panmunjom. Và dù bất ngờ trước động thái trên của Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Triều Tiên cũng nhanh chóng nhận lời.

Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra trước đó tại Hà Nội. Trong cuộc gặp gỡ lần này, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi cởi mở về việc giải quyết những khúc mắc đã xảy ra. Người đứng đầu Nhà Trắng đã có bước đi lịch sử, trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân tới Triều Tiên khi ông được Chủ tịch Kim Jong-un mời bước chân quan đường gạch ranh giới phân cách 2 miền bán đảo. Động thái này đã đem lại cho thế giới cái nhìn tích cực về mối quan hệ Mỹ - Triều.