Những con số buồn

(ANTĐ) - 44 thẻ vàng, 4 thẻ đỏ trong 7 trận, 2/3 bàn thắng được ghi bởi các ngoại binh, đó là những con số không mang lại sự vui vẻ cho những người làm bóng đá nước nhà.

Vòng 3 V-League:

Những con số buồn

(ANTĐ) - 44 thẻ vàng, 4 thẻ đỏ trong 7 trận, 2/3 bàn thắng được ghi bởi các ngoại binh, đó là những con số không mang lại sự vui vẻ cho những người làm bóng đá nước nhà.

Nhiều trận đấu đang diễn ra quyết liệt quá mức cần thiết (SLNA (trái) gặp HP.HN tại vòng 3)

Nhiều trận đấu đang diễn ra quyết liệt quá mức cần thiết (SLNA (trái) gặp HP.HN tại vòng 3)

Sau gần một tháng nghỉ Tết, V-League trở lại với vòng đấu thứ 3 trong sự chờ đợi của nhiều người. Dù với những vị trí và kết quả khác nhau nhưng tất cả các đội bóng đều dành quyết tâm cao nhất cho một chiến thắng đầu xuân, coi đó như món quà ý nghĩa gửi đến các CĐV của mình. Đó cũng là lý do khiến NHM hy vọng vào những trận đấu hấp dẫn.

Nhưng sau 7 trận đấu, ấn tượng đọng lại trong lòng khán giả chỉ là con số 44 thẻ vàng, 4 thẻ đỏ cùng những hình ảnh bạo lực trên khắp các sân cỏ cả nước. Thậm chí, ở trận SLNA tiếp HP.HN, chỉ trong vòng có 4 phút (từ 58 đến 62), trọng tài chính Ngô Quốc Hưng đã phải rút ra 3 thẻ đỏ (trong đó có 2 thẻ đỏ trực tiếp) truất quyền thi đấu của Ngọc Anh (SLNA) và Ngọc Tú, Timothy (HP.HN) sau những lỗi vào bóng thô bạo.

Bạo lực sân cỏ đã và đang có chiều hướng gia tăng dù đây mới chỉ là khoảng thời gian khởi động cho cả mùa. Không khó để kể ra những pha vào bóng đầy ác ý, những “cái đầu nóng” suốt 90 phút nhưng chẳng dễ gì để tìm ra bài toán hóa giải nó. Từ lâu, việc những cầu thủ có giá chuyển nhượng tiền tỷ đã chẳng còn xa lạ với làng bóng Việt. Nhưng không phải lúc nào, ý thức kỷ luật của họ cũng tương xứng với giá trị đó. Môi trường đào tạo thiếu chuyên nghiệp, sự nuông chiều thái quá của lãnh đạo các đội bóng, cộng thêm sự thiếu cứng rắn từ những người điều hành giải… khiến họ ngày càng lấn sâu vào bạo lực và tiêu cực. Hình ảnh một U23 thi đấu thiếu tự tin nhưng lại thừa bạo lực tại ASIAD 16 vẫn còn đó.

Trở lại với vòng 3 V-League, bên cạnh những con số “đầy bạo lực” kia thì số lượng 22 bàn thắng trên 7 trận đấu được xem như tín hiệu vui của giải. Nhưng những “cơn mưa” bàn thắng kia là một con số đáng buồn, bởi nếu nhìn vào danh sách cầu thủ ghi bàn thì có đến 2/3 bàn thắng do các ngoại binh “đứng tên”. Rất có thể, lại thêm một lần nữa sân chơi V-League vắng đi những cái tên nội trong danh hiệu Vua phá lưới. Và nếu điều đó xảy ra thì mục đích thông qua giải đấu để phát triển nội lực bóng đá nước nhà xem như phá sản.

V-League đã bước sang tuổi thứ 11 với biết bao bài học lẫn kinh nghiệm. Việc các đơn vị đua nhau mua bản quyền phát sóng chứng tỏ, V-League đang ngày càng có giá. Và tất nhiên, nhiệm vụ tổ chức và điều hành giải đấu ngày càng trở nên nặng nề. Nhất là khi, trong số những tiêu cực kia lại đến từ chính những người có trách nhiệm. Khát khao về một sân chơi bóng đá chuyên nghiệp và trong sạch của ban tổ chức giải là rất rõ. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở những bài phát biểu trong các cuộc họp, mà thiếu đi những hướng đi đúng đắn và sáng suốt thì có lẽ, sẽ chẳng có một V-League như kỳ vọng.

Thuần Thư