Những cô dâu bị “đánh cắp”

ANTĐ - Nhiều nơi ở Ấn Độ hiện có tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng khi chưa đầy 800 bé gái sinh ra bên cạnh 1.000 bé trai. Tình trạng thiếu trầm trọng nữ giới, có sự “tiếp tay” của công nghệ phá thai lựa chọn giới tính đã dẫn đến nạn bắt cóc phụ nữ bán làm cô dâu gây nhức nhối dư luận. Điều này sẽ gây hậu quả tồi tệ cho tương lai.

Akhleema và Tasleema, hai chị em ruột người Kolkata đều bị bán sang bang Haryana, Ấn Độ

Mỗi ngày xảy ra hàng chục vụ bắt cóc phụ nữ

Thời buổi bây giờ, ngay cả đối với một giáo viên “cứng” như Narinder cũng khó tìm được cô dâu. Narinder, 36 tuổi sinh ra trong gia đình có 4 con trai, trong số đó chỉ có một người đã lấy vợ. Quanh khu vực anh sống ở bang Uttar Pradesh, trung bình cứ 1000 bé trai thì chỉ có 858 bé gái được sinh ra, một tỷ lệ có sự can thiệp y tế. Đây là một trong những nơi có tỷ lệ mất cân bằng giới tính lớn nhất Ấn Độ.

“Giờ chỉ có người giàu và công chức mới dễ tìm được vợ, những ai nghèo khó không thể lấy vợ quanh đây nữa”, Narinder nói. Anh đã phải liên hệ với một trung tâm môi giới hôn nhân tìm cô gái nào đó đến từ bang khác để có thể kết hôn. Narinder có thể là một “nạn nhân” của tình trạng quá chênh lệch giới tính trong cộng đồng nhưng mặt khác, chính mong muốn mua được một cô dâu của những người đàn ông độc thân như anh cũng góp phần thúc đẩy nạn buôn bán phụ nữ.

Hàng chục năm qua, tình trạng phá thai lựa chọn giới tính tràn lan đã khiến nhiều nơi ở Ấn Độ thiếu trầm trọng nữ giới. Lợi dụng sự thiếu hụt này, những kẻ buôn người đã gài bẫy tuyển dụng hoặc bắt cóc phụ nữ để bán làm cô dâu. Trong một căn lều ở bang Assam, những tiếng nức nở phát ra khi một cặp vợ chồng già ngắm tấm ảnh một thiếu nữ tóc dài đen mượt. Những giọt nước mắt làm nhòe tấm chân dung – điều duy nhất còn lại về Jaida, cô con gái 16 tuổi của họ. Nhà Jaida bên bờ sông Brahmaputra đã bị cuốn đi sau một trận lụt lớn. 2 năm trước, Jaida mất tích trong chiếc lều tạm dựng ở dọc sông Brahmaputra. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy cô bé là khi cô nói chuyện với người lạ vào một ngày mưa.

Năm 2012, ước tính hơn 3.000 phụ nữ bị mất tích ở bang Assam, trung bình mỗi ngày ở đây có 10 phụ nữ bị bắt cóc, có người tìm lại được, người thì đi mãi không về. Nhiều bang miền đông Ấn Độ như Assam, Jharkhand, Tây Bengal và Odisha đã trở thành nguồn cung cấp cô dâu, bởi nơi đó có tỷ lệ giới tính cân bằng hơn. Trong khi đó, vùng tây bắc bảo thủ hơn và cũng giàu có hơn, có nghĩa là họ đủ khả năng siêu âm và nạo phá thai có chọn lọc thì chính nơi này, phụ nữ nghèo dễ trở thành “con mồi” của giới buôn người.

Vòng luẩn quẩn khó gỡ

Mặc dù được mua về, các cô dâu ở khu vực bang tây bắc Ấn Độ luôn bị đối xử phân biệt. Họ được gọi chung là paro - một từ chỉ người ngoài, người lạ mang nghĩa khinh miệt. Như Tasleema và em gái cô là Akhleema, gia đình họ ở Kolkata do quá nghèo nên được bán cho con buôn. Hai chị em kết hôn với hai anh em trong một ngôi làng khoảng 1.000 dân ở bang Haryana. Sau khi về nhà chồng, họ đầu tắt mặt tối với việc nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, làm đồng, đôi khi còn bị đánh đập và lạm dụng. “Ngay cả trẻ con trong làng nói chuyện với chúng tôi như nói với chó”, họ bộc bạch. Chồng của họ dù phải trả hơn 2.000 USD cho bọn buôn người nhưng vẫn bị coi thường là mua “paro” về làm vợ mà không tìm được cô dâu người địa phương.

Tháng 12- 2012, khi vụ một cô gái bị hiếp dâm trên xe buýt ở New Delhi gây chấn động thế giới, Halida, thiếu nữ 14 tuổi sống trong ngôi làng gần gia đình Jaida đang đi lấy nước thì bị một người đàn ông bắt cóc trên một chiếc xe máy. Tên này đưa Halida đến một ngôi nhà, nhốt cô bé lại và giở trờ đồi bại. Khi hắn nói sẽ bán cô đi thật xa, Halida đã lấy hết can đảm để trốn thoát. Nhưng đáng buồn là thoát khỏi tên buôn người ấy, cô bé không thể thoát khỏi định kiến của cộng đồng. Khi cả làng biết chuyện, bọn trẻ bắt đầu trêu chọc Halida khiến nữ sinh này mỗi ngày đến trường là một cơn ác mộng. Không ai thuê cha cô nên ông phải rời nhà đi thật xa để tìm việc. Mẹ Halida ngồi lặng lẽ một góc khi có phóng viên hỏi chuyện nhưng bà không giấu giếm một điều: Con gái bà đã mang về nỗi hổ thẹn cho cả gia đình. Cái logic đó ác độc ở chỗ, cưỡng dâm là thủ đoạn để bọn buôn người khống chế các nạn nhân, và sự kỳ thị xã hội khiến nạn nhân càng bị tổn thương hơn.

Hàng loạt scandal gần đây liên quan đến bạo hành phụ nữ cho thấy Ấn Độ đã thực sự nhận ra sự vô lý, bất công trong bất bình đẳng giới khi xã hội ảnh hưởng bởi chế độ gia trưởng quá sâu đậm. Không phân biệt tôn giáo hay đẳng cấp, người Ấn Độ coi trọng con trai hơn, vì nhiều lý do. Có người nói là sinh con gái là phải chuẩn bị của hồi môn rất tốn kém. Người khác lại cho rằng phụ nữ đã lấy chồng là phải phục vụ nhà chồng. Họ không chỉ tận tụy chăm sóc người thân mà còn chi tiêu có trách nhiệm, trong khi đàn ông có thể kiếm ra tiền nhưng giữ lại chi cho rượu, thuốc lá, thậm chí cho gái mại dâm. Bởi vậy, cái vòng luẩn quẩn của việc hủy bỏ thai nhi là con gái, bắt cóc phụ nữ, mua bán cô dâu sẽ khó mà xóa bỏ vì đó là hệ quả của quan điểm chỉ biết coi trọng con trai.