Những chiêu lừa qua điện thoại

(ANTĐ) - Ngày 29-8-2009, chị Lưu Thanh, một người dân ở thành phố Quảng Nguyên, Tứ Xuyên, Trung Quốc nhận được một cuộc điện thoại từ số máy lạ 0731-88908727. Người gọi đến tự xưng là sỹ quan cảnh sát thuộc Sở Công an thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, cho biết số chứng minh nhân dân và số tài khoản của chị Lưu đã bị tin tặc lấy cắp, đối tượng này đang bị Công an Hồ Nam truy bắt; chị Lưu cần chuyển hết tiền trong tài khoản của mình vào tài khoản của công an để đảm bảo an toàn cho số tiền này.

Những chiêu lừa qua điện thoại

(ANTĐ) - Ngày 29-8-2009, chị Lưu Thanh, một người dân ở thành phố Quảng Nguyên, Tứ Xuyên, Trung Quốc nhận được một cuộc điện thoại từ số máy lạ 0731-88908727. Người gọi đến tự xưng là sỹ quan cảnh sát thuộc Sở Công an thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, cho biết số chứng minh nhân dân và số tài khoản của chị Lưu đã bị tin tặc lấy cắp, đối tượng này đang bị Công an Hồ Nam truy bắt; chị Lưu cần chuyển hết tiền trong tài khoản của mình vào tài khoản của công an để đảm bảo an toàn cho số tiền này.

Nạn nhân của băng lừa đảo

 Khi chị Lưu còn đang lúng túng, viên “cảnh sát” này nhấn mạnh, nếu không làm theo, có hậu quả gì cơ quan công an không chịu trách nhiệm. Thấy vậy, chị Lưu vội vàng ghi lại số tài khoản do anh ta cung cấp, sau đó đến ngân hàng Công thương và ngân hàng Xây dựng chuyển toàn bộ 600.000NDT của mình cho “cảnh sát”.

Trên đường về, nghĩ lại những chuyện xảy ra trong mấy giờ qua, chị Lưu chợt thấy có điểm nghi ngờ. Đến nhà, chị gọi lại số điện thoại của viên “cảnh sát” trên nhưng không ai nhấc máy, dập đi gọi lại thì đã không còn tín hiệu. Biết mình bị lừa, chị Lưu đến công an Quảng Nguyên trình báo.

Sau 1 tháng điều tra, ngày 26, 27-9, 6 đối tượng đã bị Công an Quảng Nguyên bắt giữ. Đứng đầu băng nhóm lừa đảo qua điện thoại này là Trần Quang, người Đài Bắc. Từ đầu năm 2009, chúng sử dụng phương thức tương tự lừa được hàng trăm triệu tệ của các nạn nhân đại lục.

Tiếp đó, Công an Tứ Xuyên vận dụng các đầu mối thu được, mở rộng chuyên án, liên tục phá thêm 200 vụ lừa đảo qua điện thoại ở Quảng Đông, Thiểm Tây, Giang Tô, An Huy…, bắt hàng chục đối tượng liên quan.

Thủ đoạn thường dùng

Phân tích từ 200 vụ nói trên, cơ quan công an xác định ngoài thủ đoạn đã nêu, các đối tượng lừa đảo còn hay dùng những cách thức sau:

“Mời dự tuyển”: Thường dùng với các công ty, doanh nghiệp tư nhân. Theo phương thức này, đối tượng sẽ lấy danh nghĩa một đơn vị nào đó, ví dụ như “Trung tâm kiểm định an toàn chất lượng quốc gia”, mời một công ty kinh doanh, sản xuất nào dó dự tuyển bình chọn “Sản phẩm nổi tiếng”, sau đó đề nghị nộp lệ phí tham gia dự tuyển vào tài khoản của chúng.

“Tôi đang giữ con anh”: Đối tượng lợi dụng khi đứa trẻ đi tham quan, đi học xa để gọi điện cho bố mẹ, nói mình đang giữ chúng làm con tin và đòi tiền chuộc; hoặc nói đứa trẻ bị tai nạn giao thông để yêu cầu gửi tiền viện phí. Nhiều bố mẹ mất bình tĩnh, không kịp suy xét sẽ trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo.

“Đoán xem tôi là ai”: Đối tượng gọi điện đến, nói lập lờ về thân phận và yêu cầu nạn nhân đoán xem mình là ai. Khi nạn nhân nêu ra một cái tên, chúng sẽ nhận ngay mình là người đó, sau vài câu chuyện phiếm, sẽ bịa ra lí do như đi chữa bệnh, bị móc túi hết tiền… để vay tiền của nạn nhân, sau đó đề nghị gửi vào tài khoản.

“Chưa nhận được tiền”: Đối với phương thức này, đối tượng sẽ phải nghiên cứu kỹ hơn về nạn nhân. Chúng thường lợi dụng khi nạn nhân chuẩn bị thanh toán một khoản tiền gì đó, gửi tin nhắn nói tài khoản cũ đã hết hạn dùng, đề nghị gửi tiền vào tài khoản mới, sau đó ẵm gọn số tiền.

Đối với tất cả các phương thức lừa đảo này, cần thiết nhất là mọi người phải nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa, không chuyển tiền trong bất cứ tình huống nào nếu thấy nghi ngờ.

Bảo Trâm

(Theo Tân Hoa xã)