Nhức nhối an toàn đường sắt

ANTĐ - An toàn, an ninh đường sắt đang diễn biến phức tạp. Số vụ ném đá, phá hoại kết cấu công trình đường sắt, mất cắp hàng hóa lên tới hàng trăm. Nhiều nhân viên trong ngành cũng vi phạm quy định trong lĩnh vực đường sắt. 

Nhức nhối an toàn đường sắt ảnh 1TNGT đường sắt giảm nhưng an ninh đường sắt vẫn diễn biến phức tạp

Nhân viên trong ngành cũng vi phạm

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, năm 2014, TNGT đường sắt đã xảy ra 388 vụ, làm chết 161 người, bị thương 256 người. Qua phân tích các vụ tai nạn cho thấy, phần lớn do khách quan, trong đó chủ yếu do phương tiện ô tô và các phương tiện rẽ vào đường ngang thiếu quan sát. Phần lớn các vụ tai nạn xảy ra ở những khu vực đông dân cư thuộc Hà Nội, Nghệ An, Đồng Nai và Khánh Hòa.

Hàng năm, VNR đều phối hợp với lực lượng CSGT và chính quyền địa phương kiểm tra, xử phạt việc mở đường ngang dân sinh trái phép, phá hoại kết cấu, công trình đường sắt nhưng chỉ như bắt cóc bỏ đĩa. Người dân sống hai bên đường tàu vẫn bất chấp nguy hiểm rình rập, thường xuyên mở lối đi băng qua đường sắt, chính quyền địa phương thì lơ là, buông lỏng quản lý khiến nhiều vụ tai nạn đường sắt thương tâm xảy ra. Đáng nói, chính nhân viên ngành đường sắt cũng vi phạm. Trong năm 2014, VNR cùng với các lực lượng đã kiểm tra, lập biên bản gần 2.000 trường hợp vi phạm, xử phạt 580 triệu đồng. Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) cho hay, vừa qua, lực lượng CSGT phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc chấp hành quy định trong lực lượng đường sắt và đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm. “Người dân bình thường vi phạm đã đành, cán bộ trong ngành đường sắt cũng vi phạm quy định. Trong giữ gìn an ninh, trật tự đường sắt, có nơi làm tốt, nơi còn rất yếu”, Đại tá Nguyễn Hữu Dánh nói. 

Bên cạnh TNGT, tình hình an ninh trật tự, an toàn đường sắt cũng gây nhức nhối. Nhiều khách hàng có tâm lý ngại vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt vì lo bị móc hàng, mất cắp. Cụ thể, hàng loạt vụ trộm cắp đồ của khách trên tàu đã được phát hiện trong năm 2014. Ngoài ra, còn 10 vụ gây rối và chống người thi hành công vụ, 24 vụ mất phụ kiện đường sắt, 12 vụ mất vật tư phụ kiện toa tàu và 20 vụ vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng lậu. Đặc biệt, trong năm 2014, đã xảy ra khoảng 700 vụ ném đá, chất bẩn lên tàu, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho ngành đường sắt.

Lập lại mô hình CSGT chuyên trách đường sắt

Vừa qua, ngành đường sắt đã bỏ việc bán vé đón tiễn tại các nhà ga. Theo đánh giá, việc này tạo cơ hội để các đối tượng xấu lợi dụng, trà trộn gây rối, trộm cắp. Ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc VNR lo ngại, dịp Tết Nguyên đán 2015 đang cận kề, VNR đã triển khai bán vé qua hệ thống điện tử, nên hai đầu ga Hà Nội - Sài Gòn sẽ là điểm nóng. Bên cạnh đó, tình trạng mất cắp hàng hóa trên cung đường Hà Nội - Vinh cũng đang diễn biến hết sức pháp tạp, kể cả hàng hóa đã đóng container, kẹp chì. 

Đại tá Nguyễn Hữu Dánh cho biết, công tác an toàn, an ninh đường sắt lâu nay chưa được quan tâm thực sự. Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo Cục CSGT phối hợp với Bộ GTVT và VNR bảo đảm an toàn, an ninh đường sắt. Mô hình CSGT chuyên trách đầu tiên vừa được thành lập với Đội CSGT tại ga Đồng Đăng - Lạng Sơn.  

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, giữa VNR và các cơ quan thuộc Bộ Công an đã có quy chế phối hợp từ nhiều năm nay nhưng chưa chặt chẽ. Chưa có một đầu mối thống nhất để thông báo tình hình vụ việc, chưa chủ động trong công tác thông tin để lực lượng công an vào cuộc. Cụ thể, số liệu báo cáo TNGT liên quan đến đường sắt từ địa phương gửi về Cục CSGT nhiều khi rất khác, chênh lệch so với thông tin từ phía đường sắt cung cấp. Đại diện VNR cũng thừa nhận, công tác phối hợp giữa một số đơn vị đường sắt và cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có nơi chưa thường xuyên, giải quyết các vụ việc chưa kịp thời, chưa có giải pháp xử lý triệt để một số vấn đề “nóng”.