Nhu cầu thực phẩm, đồ uống trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới rất lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới, nhất là nhóm hàng thực phẩm, đồ uống.
Ông Vũ Thế Tùng giới thiệu tiềm năng xuất khẩu hàng hóa qua Alibaba

Ông Vũ Thế Tùng giới thiệu tiềm năng xuất khẩu hàng hóa qua Alibaba

Ông Vũ Thế Tùng- Giám đốc phát triển thị trường và quan hệ chính phủ, đại diện Alibaba Việt Nam cho hay, trên Alibaba.com, nhu cầu về thực phẩm và đồ uống lớn gấp nhiều lần so với nguồn cung cấp. Mỗi nhà cung cấp thực phẩm và đồ uống trung bình sẽ gặp khoảng 15 người mua tiềm năng mỗi ngày.

Sàn TMĐT này có các chức năng như: yêu cầu báo giá, livestream, hội chợ thương mại trực tuyến… giúp người bán hàng tiếp cận nhanh, đúng và trúng nhu cầu của người mua.

Theo ông Vũ Thế Tùng, với thế mạnh của Alibaba.com là sàn bán buôn (B2B) có lượng người mua buôn lớn nên một số ngành như: nông sản, thực phẩm chế biến - đóng gói, thủ công mỹ nghệ, may mặc, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, bao bì đóng gói… của Việt Nam hoàn toàn có lợi thế cạnh tranh về chi phí giá thành.

Bà Phan Thị Thanh Hải - Trưởng phòng Kinh doanh và Quan hệ đối tác khối khách hàng nước ngoài của Clever Group cho hay, để đẩy mạnh bán hàng qua các sàn TMĐT xuyên biên giới, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ càng từ việc nghiên cứu thị trường, đối thủ cũng như khách hàng mục tiêu để hiểu rõ vị thế của mình, xác định nền tảng, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển từ hình ảnh doanh nghiệp, nội dung sản phẩm đến việc kết hợp các hoạt động truyền thông quảng bá thương hiệu đa nền tảng như mạng xã hội.

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đánh giá, quy mô các thị trường nhập khẩu nước ngoài còn nhiều dư địa, tiềm năng cho sản phẩm Việt Nam, đặc biệt khi các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, RCEP trở thành động lực mới của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn tới.

“Cơ hội sẽ mở vẫn ra cho các doanh nghiệp có sản phẩm tốt, phù hợp với tiêu dùng tại thị trường nhập khẩu, tận dụng được các thị trường có thương mại điện tử phát triển mạnh để các doanh nghiệp có thể bước chân vào các thị trường khó tính, nơi tồn tại nhiều rào cản về thủ tục và chi phí.

Các mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới khác nhau có thể là lựa chọn hiệu quả, phù hợp với hoạt động của mỗi doanh nghiệp - như đã được giới thiệu qua các hội nghị chuyên đề trước từ các đối tác Amazon, Shopee International …”- ông Bùi Huy Hoàng nói.