Nhộn nhịp mùa đèn sao

ANTĐ - Đến hẹn lại lên, cứ gần đến Tết Trung thu, làng Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định lại trở nên nhộn nhịp với những chiếc đèn ông sao đầy sắc màu. Từ khắp những con đường làng, ngoài ngõ, đâu đâu cũng thấy lung linh...

Nằm cách thành phố Nam Định khoảng 13km, Báo Đáp là làng nghề truyền thống duy nhất sản xuất đèn ông sao phục vụ người dân cả nước mỗi độ Trung thu. Báo Đáp có 10 xóm thì có đến 9 xóm làm nghề đèn sao, với khoảng 500/1.000 hộ làm nghề, mỗi năm sản xuất khoảng 1,5-2 triệu đèn. 

Men theo con đường làng lát gạch đỏ cổ kính, chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Văn Kháng, ở xóm 4, được biết đến với số lượng đèn sản xuất ra lớn nhất trong làng, trung bình mỗi năm nhà ông xuất xưởng 7-8 vạn chiếc đèn sao. Ông Kháng cho biết, vật liệu làm đèn khá đơn giản với: Tre nứa, giấy bóng kính và thân cây đay làm cán. Để làm được một đèn ông sao hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua trên dưới 30 công đoạn phức tạp với phương pháp hoàn toàn thủ công. Từ chẻ/vót tre, in hoa văn, màu sắc trên giấy bóng đến cắt khung, làm xương đèn, lắp cán… mới tạo thành một chiếc đèn ông sao hoàn chỉnh. Từng công đoạn một, dù nhỏ đến đâu cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ. 

Đèn ông sao được chia làm 3 loại: Loại lớn có đường kính 50cm trở lên, loại vừa 40cm và loại nhỏ là dưới 30cm. Làng Báo Đáp có nghề nhuộm, nên người dân mua giấy bóng kính màu trắng, rồi tự tay ngâm, nhuộm giấy thành màu xanh, đỏ, vàng. Nan tre dùng để tạo vòng tròn quanh ngôi sao cũng được quấn tua rua giấy nhuộm các màu tươi sáng, đủ sắc màu rực rỡ. Giấy bóng màu được cắt thành những cánh sao đều tăm tắp để sẵn thành từng bó. Người thợ chỉ cần quệt hồ dán lên bộ khung tre thật cẩn thận sao cho cánh không bị bong. Đèn sau khi dán, viền cánh xong thì dùng một thanh tre chống căng mặt đèn rồi dựng ở sân phơi cho khô, sau đó mới tháo ra bó thành từng cọc 100 chiếc mang đi bán ở khắp nơi trong cả nước.

Khắp các con đường làng Báo Đáp, những con ngõ phơi đầy tre nứa, đầy những chiếc đèn phơi khô keo chờ hoàn thiện. Gia đình nào cũng đầy những dây kim tuyến đủ màu, dây sợi, hồ bột. Trẻ em 6, 7 tuổi tay thoăn thoắt ngồi phết hồ dán, thanh niên thì bốc xếp vận chuyển đèn ông sao cho khách ở xa. 

Người dân làng Báo Đáp giờ đây phấn khởi và yên tâm với nghề hơn bởi giờ sản phẩm làm ra được tiêu thụ nhiều do người dân ngày càng ưa chuộng đồ chơi truyền thống, khi càng gần ngày tết Trung thu, càng tấp nập những chuyến xe đến chở hàng đi khắp mọi nơi.