Nhịp cầu nối những bờ vui

ANTĐ - Những cây cầu treo được gấp rút hoàn thiện trước dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đã mang lại niềm vui khôn siết cho bà con ở vùng xa xôi, vùng khó khăn của đất nước. Sau nhiều năm phải bơi suối, lội sông, không gì có thể nói hết cảm xúc khi cây cầu treo vững chắc được những người thợ gấp rút hoàn thiện những nhịp cuối cùng.

Có cây cầu như sinh được đứa con trai

Trong cơn mưa phùn kéo dài những ngày cuối năm 2014, cùng với cái rét ngọt cắt da của vùng núi, nhưng vẫn không ngăn nổi bước chân của bà con thôn Mán, xã Hương Thi, huyện Kim Bôi, Hòa Bình tìm đến để chứng kiến những con ốc, nhịp cầu cuối cùng đang được gấp rút hoàn thiện.

Bao nhiêu năm qua, người dân thôn Mán, thôn Khoang phải bơi sông, lội suối để sang bờ bên này mua bán lương thực, thực phẩm. Mùa nước cạn thì bà con dùng mảng ghép bằng những ống tre, nứa để qua sông, mùa nước lũ thì gần như chôn chân ở bờ bên kia.

Khoảng 5-6 năm trước, chính quyền xã cũng đã bắc tạm một cây cầu phao để bà qua qua sông tạm, nhưng cầu phao chòng chành, không đủ sức chống chọi với nước lũ. Cứ mỗi mùa lũ đến, nước trên sông Bôi lên cao, chảy siết, chẳng ai dám đi qua chiếc cầu phao ấy. Thành thử, bà con thôn Khoang, thôn Mán làm ra lương thực, thực phẩm nhưng luôn rơi vào cảnh “mua đắt, bán rẻ”.

Những cây cầu treo nối niềm vui đôi bờ của bà con vùng sâu vùng xa

Trưởng thôn Khoang Bùi Văn Thẳm cho biết: “Khi hay tin, chiếc cầu treo bắc qua sông Bôi, nối xã Hương Thi với khu vực bên ngoài, người dân trong xã phấn khởi lắm. Nên dù mưa gió, rét căm căm như vậy, nhưng bà con vẫn kéo về để xem những công đoạn cuối cùng của chiếc cầu treo được hoàn thiện. Khi chưa có cầu, bà con Hương Thi vất vả lắm, giờ có cây cầu này, bà con yên tâm rồi, phấn khởi lắm”. Cùng chung niềm vui, cụ Bùi Văn Rị, thôn Mán dù nhà khá xa nhưng cụ cũng cuốc bộ đến để tận mắt nhìn thấy cây cầu mơ ước. “Vui lắm, giờ có cầu này thì bà con khỏi lo rồi. Bao năm rồi, giờ thôn làng mới có một cây cầu tử tế để qua sông, qua suối”.

Bà con xã Nam Tiến, huyện Quan Hóa, một huyện miền núi khó khăn của tỉnh Thanh Hóa những ngày này đón Tết trong niềm hân hoan.

Cây cầu treo Bản Lếp, nối thôn Bản Lếp 1 và thôn Bản Lếp 2 của xã vừa kịp hoàn thành đúng dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, sau một thời gian ngắn thi công gấp rút. Cầu bắc qua một nhánh của sông Mã, người dân xã Nam Tiến gọi là sông Luồng.

Chủ tịch xã Nam Tiến Lương Xuân Hinh cho hay, thôn Bản Lếp 1 có khoảng 60 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu, nhưng bao năm nay bị cách biệt ở bên kia sông, sinh hoạt, đời sống rất khó khăn vất vả. Xã cũng đã có chủ trương di dân nhưng đất đai không đủ và điều kiện kinh tế chưa cho phép, nay có cây cầu treo này rồi thì không phải lo nghĩ đến việc này nữa.

Theo Chủ tịch xã Nam Tiến, trước khi chưa có cầu treo Bản Lếp, người dân thôn Bản Lếp 1 muốn sang bên này mua bán lương thực hay các cháu đi học toàn phải bơi thuyền qua sông hoặc đi cầu khỉ. Những năm trước cũng đã có một vài sự cố xảy ra như trôi thuyền, trôi mảng của người dân khi qua sông, nhưng cũng may, người dân vùng sông nước, biết bơi lội từ nhỏ nên chưa có sự cố đáng tiếc nào về người.

Vất vả nhất là về mùa mưa lũ, người dân thôn Bản Lếp 1 phải tích trữ lương thực cho cả một mùa, khoảng từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, vì nước sông Luồng lên to, việc vận chuyển lương thực rất khó khăn. Nay cầu treo đã hoàn thành, Chủ tịch xã Nam Tiến không giấu nổi niềm vui, ông ví von: “Có cây cầu này bà con mừng như sinh được một đưa con trai”.

Chị Lò Thị Ngơi, người dân thôn Bản Lếp 1 cũng đến tận nơi để chứng kiến và đặt những bước chân đầu tiên trên cây cầu mà bấy lâu chỉ như niềm mơ ước của bao thế hệ người dân thôn Bản Lếp 1. “Mùa nước cạn thì có thể dùng cầu khỉ để qua sông, nhưng mùa nước lũ, ngày hai chiều các cháu đi học bố mẹ toàn phải đưa qua sông. Trong túi luôn bọc sẵn bộ quần áo tới lớp, qua sông ướt rồi lại thay quần áo khô đến trường học. Vất vả lắm. Người dân chưa bao giờ nghĩ sẽ có một cây cầu to và chắc chắn như thế này để qua sông”, chị Ngơi nói trong niềm vui.

Khi chưa có cầu, bà con phải lội suối, bơi sông để sang bên kia

 

Sẽ làm 4.100 cây cầu

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, dự án làm 186 cầu treo, trong đó Bộ GTVT đã đưa 80 cái trên địa bàn 28 tỉnh, thành cả nước vào sử dụng trước dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi để phục vụ bà con đi lại. Số cầu còn lại, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo hoàn thiện trước 30-6-2015. Mỗi cây cầu trị giá dao động từ 2-7 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ GTVT đã trình Chính phủ và được Chính phủ thông qua đầu tư 4.100 cầu dân sinh, trong đó gồm cả cầu treo và cầu cứng, bắt đầu tư năm 2015 và kết thúc vào năm 2018.

Về nguồn vốn để thực hiện hàng nghìn cây cầu này, theo lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ này đã trình Chính phủ và Chính phủ đã đồng ý trình Quốc hội phát hành một đợt trái phiếu riêng, khoảng 8.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sẽ huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia góp sức.

Trả lời về việc, làm sao để xây dựng những cây cầu treo đảm bảo chất lượng ở vùng sâu, vùng xa, ông Nguyễn Hồng Trường khẳng định, Bộ GTVT đã giao những đơn vị tư vấn thiết kế mạnh nhất của ngành, căn cứ vào điều kiện địa chất, thủy văn và tập quán của từng địa phương để chọn nguyên vật liệu phù hợp. Mỗi cây cầu treo phải đảm bảo tuổi thọ ít nhất là 25 năm, trong quá trình sử dụng sẽ có sự bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo chất lượng và tuổi thọ công trình.

“Với khả năng của đơn vị tư vấn và đơn vị thi công, tôi tin chắc rằng, những cây cầu treo này sẽ là những cây cầu tốt nhất, đẹp nhất và giá thành rẻ nhất”, ông Nguyễn Hồng Trường cho biết.