Nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm trong quý đầu năm

ANTD.VN - Tăng trưởng tín dụng toàn ngành chậm lại rõ rệt so với cùng kỳ, thậm chí ở một số ngân hàng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng còn âm.

Theo con số mới được công bố, tính đến ngày 17/4/2019, tăng trưởng tín dụng ở mức 3,23% so với đầu năm. Con số này thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, tính đến hết tháng 4 năm ngoái, theo số liệu công bố của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì tăng trưởng tín dụng là 4,3%. Trong khi con số được Ngân hàng Nhà nước công bố thì là 5%.  Còn 4 tháng đầu năm 2017, con số này lên tới 5,76%.

Việc tăng trưởng tín dụng chậm lại cũng được phản ánh khá rõ trong báo cáo tài chính quý I của các ngân hàng. Theo đó, cho vay khách hàng của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã giảm từ mức gần 865 nghìn tỷ hồi cuối năm 2018 xuống chỉ còn gần 861,6 nghìn tỷ, tức giảm hơn 3.300 tỷ đồng. Cả năm 2019, Vietinbank chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 6-7%, bằng một nửa so với các ngân hàng lớn khác.

Tại Eximbank, quý đầu năm nay tín dụng cũng tăng trưởng âm 2,9%, xuống mức 99.944 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế cũng giảm tới 38% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng Quốc Dân (NCB) tăng trưởng dư nợ cho vay cũng là -2,5%, khiến tăng trưởng thu nhập lãi thuần giảm mạnh tới 22,88%.

Dù bị siết chỉ tiêu nhưng nhiều ngân hàng vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao

Tín dụng toàn ngành tăng trưởng chậm lại có thể xuất phát từ chính sách siết chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước khi kế hoạch cho cả năm 2019 chỉ ở mức 14%. Với chính sách này, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao nhất cũng chỉ là 15%, thuộc về Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Một số ngân hàng thuộc diện phải tái cơ cấu thì chỉ tiêu ở mức rất thấp, chỉ khoảng 7%.

Với diễn biến này, dự đoán tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ khó bứt phá, kéo theo tăng trưởng lợi nhuận cũng sẽ không đột biến. Dù vậy, tại đại hội cổ đông thường niên vừa diễn ra, nhiều ngân hàng vẫn bày tỏ hy vọng được “nới room” tín dụng ở mức cao, nhất là các ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II.

Chẳng hạn như Ngân hàng Quốc tế (VIB) đã đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng đến 35%, bao gồm cả cho vay khách hàng và phát hành giấy tờ có giá. OCB thì đặt chỉ tiêu tăng trưởng đến 30%, TPBank đưa ra con số từ 20 – 30%, HDBank là 24%...

Với việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông điệp sẽ có ưu tiên hơn về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và mở rộng mạng lưới đối với nhóm các ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II thì các con số mà các ngân hàng trên đưa ra không phải không có cơ sở.

Trước đó hồi đầu năm, tham gia khảo sát của Vụ dự báo thống kê Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng bình quân toàn ngành năm nay khoảng 15,27% - cao hơn so với mục tiêu tín dụng 14% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra.