Dự phòng rủi ro “ăn mòn” lợi nhuận ngân hàng
Năm 2018, Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) là một trong những ngân hàng có sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận. Nguyên nhân là do trong năm 2018, ngân hàng này đã “mạnh tay” trích lập dự phòng rủi ro tín dụng với con số lên tới 18.800 tỷ đồng, chiếm tới 2/3 lợi nhuận.
Việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đã khiến BIDV từ ngân hàng có lợi nhuận thuần cao nhất hệ thống (hơn 28.300 tỷ đồng) trở thành ngân hàng có lợi nhuận trước thuế chỉ còn 9.472 tỷ đồng. Hiện BIDV vẫn là ngân hàng “ôm” khối nợ xấu lớn nhất hệ thống, 16.697 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên tới 7.170 tỷ đồng.
Tương tự BIDV, dự phòng rủi ro tín dụng vẫn là “gánh nặng” của nhiều ngân hàng tầm trung và nhỏ. Chẳng hạn như Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), trong quý IV-2018 lợi nhuận thuần của ngân hàng chỉ đạt 116 tỷ đồng nhưng đã phải trích tới hơn 185 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Điều này khiến Saigonbank bị lỗ gần 70 tỷ đồng quý IV, kéo mức lợi nhuận nhà băng trong cả năm 2018 chỉ đạt 52,5 tỷ đồng trước thuế, giảm 26% so với năm 2017.
Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) cũng có câu chuyện tương tự. Trong quý IV-2018, ngân hàng này bất ngờ ghi nhận khoản lỗ 309 tỷ đồng, kéo lợi nhuận cả năm xuống chỉ còn 827 tỷ, so với mức 1.017 tỷ đồng trong năm trước đó.
Khoản lỗ trong quý IV của Eximbank đến từ chi phí dự phòng rủi ro, khi chi phí này đã tăng tới gần 4 lần so với cùng kỳ, lên mức 401,5 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí hoạt động ngân hàng cũng tăng vọt 75% lên mức 1.047 tỷ đồng (cùng kỳ gần 598 tỷ đồng).
Nhiều ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng
Eximbank cho biết ngân hàng đã dùng phần lớn lợi nhuận trước thuế để trích lập thêm dự phòng, tổng cộng 904 tỷ đồng. Trong đó, trích bổ sung dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC 514 tỷ đồng nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tất toán các khoản nợ đã bán cho VAMC.
Đặc biệt, là sau 2 vụ lùm xùm tiền gửi “bốc hơi” trong năm qua, ngân hàng này cũng đã phải trích bổ sung dự phòng khoản thu khó đòi lên đến 390 tỷ đồng. Khoản trích lập này được hạch toán vào khoản mục chi phí hoạt động.
Gánh nặng hiện tại - “của để dành” tương lai
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho thấy, đến cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD đã giảm nhẹ về mức 1,89% so với mức 1,99% của cuối năm 2017. Tuy nhiên, với quy mô tín dụng tăng thì thực tế số dư nợ xấu tuyết đối trong hệ thống vẫn tiếp tục tăng. Thậm chí nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu tiềm ẩn, tỷ lệ nợ xấu vẫn còn rất cao, lên tới 6,5%.
Đây là lý do khiến nhiều ngân hàng phải “hy sinh” lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, dẫn đến giảm lợi nhuận, thậm chí là lỗ trong những tháng cuối năm.
Năm 2019, nhiều khả năng dự phòng rủi ro tín dụng sẽ vẫn là “gánh nặng” của các ngân hàng, nhất là khi các khoản nợ xấu bán cho VAMC trước đây đã đến thời hạn tất toán, các ngân hàng phải nhận lại nợ xấu và nếu chưa xử lý được thì phải tăng trích dự phòng.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng tăng chi phí dự phòng rủi ro chưa hẳn là dấu hiệu tiêu cực của ngành ngân hàng. Việc chủ động ưu tiên trích lập dự phòng sẽ giúp các nhà băng có thể rút ngắn thời gian nắm giữ trái phiếu VAMC. Nếu tất toán xong trái phiếu đặc biệt của VAMC sẽ có cơ hội ghi nhận những khoản thu đột biến từ việc thu hồi xử lý nợ xấu.
Đây có thể xem là việc hy sinh lợi ích trước mắt làm “của để dành” để ngân hàng phát triển bền vững trong tương lai.