Nhiều mặt hàng Tết bắt đầu tăng giá nhẹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Cận ngày 23 tháng Chạp- ngày ông Công ông Táo, cá chép để thờ cúng rất đắt hàng. Bên cạnh đó, các loại hàng hóa phục vụ Tết bắt đầu tăng giá nhẹ do nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên.
Không khí mua sắm Tết bắt đầu sôi động

Không khí mua sắm Tết bắt đầu sôi động

Chị Hà Thủy (Văn Quán- Hà Đông) cho biết: “Giá cá chép vàng năm nay tăng không tăng so với năm ngoái, dao động từ 20.000- 55.000 đồng/bộ 3 con. Thông thường khách hàng đều mua theo bộ, ít người mua lẻ”.

Từ cách đây vài ngày, chị Thủy đã lấy cá chép vàng về bán lẻ. Trung bình mỗi ngày chị Thủy bán khoảng 160 bộ cá chép. “Ngày nay và ngày mai chắc đắt hàng hơn vì nhiều nhà đợi đúng ngày, nhằm vào cuối tuần mới cúng ông Công, ông Táo”- chị Hà Thủy nói.

Chị Nguyễn Bích (chợ Xốm, Phú Lương- Hà Đông) cũng cho hay, giá cả đồ cúng lễ 23 tháng Chạp hầu hết ổn định, không tăng so với ngày thường. Với cá chép đỏ giá cũng có nhiều loại, loại nhỏ chỉ 20-25.000 đồng/1 bộ/3 con; loại trung bình thì 30-35.000 đồng/ 1 bộ/3 con; loại to nhất là 50-55.000 đồng/1 bộ/3 con.

Năm nay, giá cá chép tại chợ đầu mối không cao, khoảng từ 70.000 - 120.000 đồng/kg nên giá cá tới tay người tiêu dùng cũng khá mềm.

Dịp Tết năm nay, các mặt hàng không có nhiều biến động về giá so với năm ngoái. Tại các chợ, thịt lợn vẫn dao động từ 100.000 đồng-150.000 đồng/1kg tuỳ loại; thịt bò từ 250-280.000 đồng/1kg tuỳ loại. Giá tôm sú loại 25-30 con/kg là 450.000 đến 550.000 đồng/ kg, tôm thẻ có giá từ 250.000 đến 350.000 đồng/kg tăng 10.000 đồng/kg so với đầu tuần. Tại các chợ giá gà ta ở mức 130.000 – 150.000 đồng/kg, tăng 5.000 đến 10.000 đồng/kg so với đầu tuần.

Giá các loại hoa tươi bắt đầu nhích nhẹ trong những ngày gần đây. Hoa cúc, hoa hồng từ 7.000 đến 10.000 đồng/bông, tùy loại; hoa lay ơn có giá từ 60.000 đến 100.000 đồng/chục, đào cành giá bán 60.000 – 80.000 đồng loại nhỏ, 150.000 – 200.000 đồng loại to...

Theo các tiểu thương, giá hoa tươi có thể tiếp tục tăng nhẹ cho đến Tết. Tại thời điểm này, đào quất, hoa cảnh bày bán khắp các con phố, tuy nhiên người mua vẫn thưa thớt.

Với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dịp Tết, sức mua tăng từ cuối tuần qua. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, khách hàng mua sắm sôi động.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn – Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị WinMart cho biết, hệ thống WinMart/WinMart+ ghi nhận sức mua tăng dần theo từng tuần từ đầu tháng 12-2022 và dự đoán sẽ cao điểm từ tuần 2 của tháng 1-2023 cho đến sát Tết Nguyên Đán.

Trước đó WinMart/WinMart+ đã đàm phán với các nhà cung cấp lớn, dự trữ hàng hóa Tết tăng từ 20 - 30% với từng ngành hàng, đảm bảo đáp ứng đa dạng hàng hóa với giá ổn định xuyên suốt trước, trong và sau Tết.

Năm nay, người tiêu dùng chủ yếu tập trung mua sắm các mặt hàng thiết yếu như rau xanh, thịt cá, hải sản. Bên cạnh đó, các mặt hàng đặc trưng cho Tết như giỏ quà, bánh kẹo, đồ uống, bánh chưng, đồ chua, giò chả… cũng rất hút khách.

Vào những ngày cao điểm như 23 Tết và 30 Tết, nhiều siêu thị WinMart sẽ phục vụ khách hàng mâm cúng Tết chế biến sẵn.

Bên cạnh đó, đảm bảo nguồn cung hàng hóa với giá bình ổn, WinMart/WinMart+ cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mại để người dân an tâm mua sắm Tết.

Theo bà Trần Thị Phương Lan- Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tăng 15-30% tùy từng mặt hàng.

Hà Nội đã chuẩn bị tổng lượng hàng hóa giá trị khoảng 39.500 tỷ đồng sẽ được đưa ra thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân (tăng 15% với năm ngoái).