Nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam thiếu hụt vật liệu thi công

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam rơi vào cảnh thiếu hụt nguồn nguyên liệu thi công (đất đắp) do số liệu khi khảo sát không khớp với số lượng thực tế.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 bao gồm 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh với tổng chiều dài khoảng 653km.

Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, nhu cầu vật liệu đất đắp (sau khi đã điều phối dọc tuyến) cho toàn bộ 11 dự án khoảng 52 triệu m3.

Theo số liệu khảo sát mỏ vật liệu của các đơn vị Tư vấn thiết kế, tổng số lượng mỏ cung cấp cho 11 dự án khoảng 143 mỏ, trong đó bao gồm 81 mỏ đang khai thác (tổng trữ lượng khoảng 63,2 triệu m3), 12 mỏ đã hết thời hạn khai thác đang chờ gia hạn (tổng trữ lượng 28,8 triệu m3) và 82 mỏ trong quy hoạch nhưng chưa cấp phép khai thác (tổng trữ lượng khoảng 101,3 triệu m3) đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu vật liệu đất đắp cho toàn bộ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Hiện tại, 6 dự án cao tốc gồm Cao Bồ-Mai Sơn, Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2) đang triển khai thi công xây dựng, qua khảo sát thực tế hiện trường tình hình vật liệu đất đắp cho thấy, 3 dự án cao tốc (Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2) cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu đắp.

Nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam bị thiếu nguyên vật liệu thi công

Nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam bị thiếu nguyên vật liệu thi công

Tuy nhiên, dự án Mai Sơn- quốc lộ 45 đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình có 1 mỏ (trữ lượng 4,8 triệu m3); Vĩnh Hảo-Phan Thiết gồm 6 mỏ (tổng trữ lượng khoảng 4,17 triệu m3), Phan Thiết-Dầu Giây có 6 mỏ (tổng trữ lượng khoảng 6 triệu m3) đã có trong quy hoạch nhưng chưa được địa phương cấp phép khai thác.

Đặc biệt, trong trường hợp 6 mỏ được cấp phép kịp thời, dự án Phan Thiết-Dầu Giây vẫn thiếu khoảng 1,4 triệu m3 do trong quá trình thực hiện công tác khảo sát mỏ vật liệu bước thiết kế kỹ thuật có sai khác lớn với thực tế (trong hồ sơ khảo sát tổng trữ lượng là 20 triệu m3 nhưng tổng trữ lượng thực tế chỉ đạt 4,1 triệu m3).

“Trường hợp các địa phương (Ninh Bình, Bình Thuận, Đồng Nai) không kịp thời cấp phép khai thác cho các mỏ vật liệu này dẫn đến các dự án trên có nguy cơ thiếu hụt nguồn vật liệu đắp”, ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thừa nhận.

Đối với các dự án cao tốc quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo dự kiến triển khai thi công trong quý 2/2021 trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu có sử dụng các mỏ quy hoạch của địa phương mới đáp ứng được nhu cầu vật liệu đắp các dự án.

Vì vậy, các địa phương cần phải khẩn trương thực hiện các công việc liên quan đến cấp phép khai thác và các điều kiện cần thiết khác (giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng đường tiếp cận vào mỏ...

Riêng với dự án Cam Lâm-Vĩnh Hảo, các mỏ đang khai thác đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu đắp cho dự án, song trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu có các mỏ trong quy hoạch gần dự án để thuận lợi cho việc điều phối và giảm chi phí xây dựng nhưng lại chưa được cấp phép.

Để đáp ứng nhu cầu vật liệu đất đắp phục vụ thi công các dự án cao tốc Bắc-Nam, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiến nghị lãnh đạo Bộ GTVT làm việc và có văn bản gửi các tỉnh, thành tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các điều kiện, thủ tục còn thiếu cho các mỏ đã được cấp phép nhưng chưa khai thác được; cấp phép khai thác, nâng công suất khai thác mỏ, gia hạn giấy phép mỏ…

Đặc biệt, các tỉnh thành phố cần chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về giá vật liệu xây dựng; có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.

Đối với các dự án Mai Sơn-quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây có khả năng thiếu hụt lớn khối lượng vật liệu đất đắp, Bộ GTVT chỉ đạo các Ban QLDA7, Ban QLDA Thăng Long chỉ đạo Tư vấn khảo sát các khu vực lân cận tuyến để tìm kiếm phát hiện các mỏ có khả năng khai thác, thực hiện các thủ tục để đủ điều kiện khai thác vật liệu đất đắp đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho dự án.