Nhiều cửa hàng thiết yếu chần chừ mở cửa trở lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Vắng khách, thiếu người làm, băn khoăn về diễn biến dịch bệnh… là những lý do chủ yếu khiến nhiều chủ cửa hàng thiết yếu chần chừ mở lại dịch vụ dù thuộc đối tượng được mở cửa trở lại sau khi Hà Nội nới lỏng. Sau hơn 2 tháng đóng cửa, việc hoạt động trở lại của nhiều người gặp khó khăn.
Hàng phở trên phố Huỳnh Thúc Kháng đầu giờ sáng nay (21-9) khá vắng khách

Hàng phở trên phố Huỳnh Thúc Kháng đầu giờ sáng nay (21-9) khá vắng khách

Là chủ một hàng “cơm bụi” tại Mễ Trì (Nam Từ Liêm), chị Nguyễn Thị Lan (quê Bắc Ninh) cho biết, dù thành phố cho phép mở cửa bán cơm từ nhiều ngày trước nhưng chị vẫn đóng cửa. “Trước đây mỗi ngày, nhà tôi bán cả trăm suất cơm bụi, giờ muốn mở cửa lại lắm chứ, nhưng thực tế thì mở lại sẽ vắng khách. Khách ăn cơm bụi chủ yếu là người lao động phổ thông, công nhân, sinh viên… do nghỉ dịch dài, họ đã về quê hết; nhân viên văn phòng thì làm việc giãn cách hoặc tự mang cơm để phòng dịch, mình muốn bán hàng cũng chỉ lèo tèo vài khách nên cứ từ từ”- chị Lan nói.

Theo chị Lan, hàng “cơm bụi” khác với hàng phở, hàng bún vì “cơm bụi” chỉ có nhóm khách hàng nhất định, trong khi phở là món ăn truyền thống nổi tiếng của người Hà Nội, ai cũng có thể ăn và nhớ nên chỉ cần được mở cửa, quán phở có thể đón hàng trăm khách mỗi ngày. Thế nên người dân vẫn gọi “ngày toàn dân đi ăn phở”, chứ không có ngày toàn dân đi ăn “cơm bụi”.

Mở cửa hàng cơm ngay sau khi được cho phép, chị Thanh Mai (Dịch Vọng Hậu- Cầu Giấy) đã nhanh chóng đóng cửa nghỉ tiếp. Lý do là quá vắng khách, quán cơm mở cửa phải gọi người nhà trợ giúp do người làm thuê đã về quê, chưa trở lại Hà Nội được. “Cả nhà vất vả nhưng lại vắng khách nên thôi đợi 1 thời gian nữa tôi lại bán”- chị Mai cho hay.

Rất mong chờ thông tin được hoạt động trở lại song anh Nguyễn Hưng (chủ hệ thống cửa hàng sửa chữa máy tính lớn tại Hà Nội) lại lo lắng: “Lúc nghỉ dịch thì khách gọi ời ời vì máy tính hỏng, họ muốn sửa chữa hoặc mua máy cũ để cho con học trực tuyến, làm việc tại nhà… Từ hôm nay (21-9) được mở cửa lại nhưng tôi lại không còn nhân viên mà làm”.

Ngay tại cơ sở sửa chữa lớn nhất trên phố Lương Thế Vinh của anh Nguyễn Hưng, hiện chỉ còn 1 nhân viên ở lại trong suốt mấy tháng qua, còn lại các nhân viên khác đã nghỉ dịch, về quê vì không có việc làm, dịch giã lại kéo dài. Theo chủ cơ sở sửa chữa này, giờ có gọi nhân viên trở lại cũng không phải họ xuất hiện ngay mà làm việc được, vì còn vướng nhiều thủ tục khi vào thành phố.

Anh Hoàng Hải (chủ cửa hàng sửa chữa xe máy tại phố Trần Quốc Vượng- Cầu Giấy) cũng cho hay: “Tôi thuê địa điểm này chưa kịp mở cửa hàng thì đã nghỉ dịch. May mắn là trong hợp đồng thuê nhà, hai bên đã thỏa thuận khi nào khai trương mới tính tiền thuê, hiện mới chỉ đặt cọc. Giờ tôi rất muốn mở cửa, nhưng dịch giã thế này lại lo, mở rồi lại đóng cửa vì dịch, khách hàng sẽ có nhưng hiện chưa đông thì sợ là không đủ tiền thuê nhà”.

Giá thuê của cửa hàng sửa chữa xe máy này là hơn 30 triệu đồng/tháng. Theo tính toán của anh Hải, ước lượng khách hàng hiện tại không thể đủ tiền thuê nhà và trả lương 2 người làm thuê. “Nếu nhà mình có địa điểm tự làm thì mở lại ngay, túc tắc vẫn kiếm được vài trăm nghìn mỗi ngày”- anh Hải nói.

Từ sáng nay, nhiều dịch vụ thiết yếu được mở cửa trở lại. Ngay từ đầu giờ sáng, nhiều cửa hàng cắt tóc, gội đầu đã dọn dẹp sẵn sàng mở cửa. Chị Minh Huyền (chủ salon tóc) ở khu đô thị Vinaconex 3 Trung Văn, Nam Từ Liêm cho biết: “Nhiều người dân có nhu cầu cắt tóc nên tôi mở cửa ngay. Nhân viên chưa đến được nhưng chắc hiện tại, khách cắt tóc là chủ yếu, khách chăm sóc, tạo kiểu chưa nhiều, mình tôi có thể quán xuyến được”.

Tương tự như hàng phở, hàng bún, nhiều hàng quán bán cà phê, trà sữa, bánh mì… mang về cũng rất đông khách. Tại cửa hàng bánh mì trên phố Nguyên Hồng (Đống Đa), nhiều khách phải chờ đợi để được đến lượt mua hàng.

Trong khi đó, các cửa hàng thời trang dù chưa được phép mở cửa lại nhưng thành phố đã nới lỏng một số hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, dự báo nhu cầu đi lại, ăn mặc của người dân sẽ tăng nên họ đã đẩy mạnh bán hàng online. Các sản phẩm đồ công sở, dạo phố mẫu mới liên tiếp được giới thiệu, gửi đến khách hàng.