Nhiệm vụ khó khăn
(ANTĐ) - Theo chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua, năm 2010, kim ngạch xuất khẩu tăng ít nhất 6% so với năm 2009, tương đương với 59,9 tỷ USD, Bộ Công Thương coi đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Các doanh nghiệp đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu |
Phụ thuộc vào công nghiệp chế biến
Năm 2009, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 56,5 tỷ USD. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm 9,9% so với năm 2008 nhưng đây là kết quả đáng khích lệ so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, bức tranh xuất khẩu của Việt Nam “sáng” hơn nhờ việc xuất khẩu 2 tỷ USD vàng trong quý I và đây là yếu tố tăng trưởng thiếu bền vững, khó thực hiện trong năm nay.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu trừ kim ngạch xuất khẩu vàng thì năm 2009, giá trị xuất khẩu đạt được ở mức 54,5 tỷ USD. Như vậy, năm 2010, muốn đạt được mục tiêu xuất khẩu 59,9 tỷ USD thì tăng trưởng thực chất phải ở mức 9,9% so với năm ngoái. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trong giai đoạn “gượng dậy” sau khủng hoảng, còn nhiều rủi ro, bất ổn và có thể, nhiều chính sách bảo hộ sẽ được áp dụng thì đây là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, lượng xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản và nguyên liệu khoáng sản sẽ giảm trong năm 2010. Cụ thể, do trong năm 2009, lượng cà phê xuất khẩu tăng 11,3%, chè tăng 29,2%; hạt tiêu tăng 49,6%; gạo tăng 28,6%; sắn các loại tăng 143,5%, gần như chạm “ngưỡng”. Bởi vậy, rất khó để lượng xuất khẩu các mặt hàng này tăng trong năm nay. Thậm chí, có dự báo cho rằng xuất khẩu gạo năm 2010 sẽ giảm 9,9%, hạt tiêu và sắn giảm khoảng 11% so với năm 2009.
Bên cạnh đó, do Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động nên lượng dầu thô xuất khẩu dự kiến giảm tới 3,5 triệu tấn, tương đương với khoảng 1,62- 1,9 tỷ USD. Lượng than đá xuất khẩu dự kiến giảm 2,5- 3 triệu tấn, tương đương giá trị 130 triệu USD. Ước tính, lượng xuất khẩu của 2 nhóm hàng này tác động làm giảm kim ngạch xuất khẩu hơn 2,3 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng công nghiệp chế biến được trông đợi vào sự phục hồi của giá cả thế giới. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2010, dự báo giá nhiều mặt hàng sẽ tăng cao hơn so với năm 2009. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng khó xác định. Áp lực tăng trưởng xuất khẩu đang được đặt lên vai ngành công nghiệp chế biến mà khối doanh nghiệp FDI chiếm 2/3 tỷ trọng xuất khẩu.
Thêm rào cản mới
Các chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2010, nhóm hàng công nghiệp chế biến dự kiến sẽ tăng khoảng 8,3% so với năm 2009, tương đương với khoảng 38,6 tỷ USD. Trong đó, hàng dệt may ước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 12,7%; giày dép đạt 4,6 tỷ USD, tăng 15%. Về thị trường xuất khẩu, Mỹ, EU, Nhật Bản... vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, việc Mỹ bãi bỏ hoàn toàn hạn ngạch hàng dệt may đối với Trung Quốc đã đặt hàng dệt may Việt Nam vào thế cạnh tranh khốc liệt hơn tại thị trường này.
Bên cạnh đó, việc EU tiếp tục áp thuế chống bán phá đối với giày, mũ da Việt Nam khiến các doanh nghiệp da giày trong nước gặp khó khăn. Trong nhóm hàng công nghiệp chế biến, sự kỳ vọng được đặt vào các mặt hàng như: cao su dự kiến tăng 19%; thủy tinh và sản phẩm tăng 23,6%; hàng điện tử và linh kiện máy tính tăng khoảng 25% và máy móc, thiết bị phụ tùng tăng khoảng 22,4%... so với năm 2009. Theo Bộ Công Thương, thị trường EU rất có nhu cầu về các mặt hàng thiết bị điện. Tuy nhiên, các đơn hàng của Việt Nam về mặt hàng xuất khẩu này chưa đủ lớn về giá trị để tạo ra đột phá cho kim ngạch xuất khẩu.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Bộ này sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như thị trường nội địa; thúc đẩy sớm việc ký kết các hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN với Úc, New Zealand, Ấn Độ nhằm tạo lợi thế xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh công tác dự báo sản xuất, thị trường để có chỉ đạo kịp thời, giúp các doanh nghiệp trong nước có thêm thông tin xuất khẩu.
Vân Hằng