Các phương tiện truyền thông Nhật cho biết, gần 500 hòn đảo nhỏ không có người ở là những tiêu chí xác định ranh giới vùng lãnh hải của Nhật Bản. Trong số này, có một số đảo thuộc chủ sở hữu tư nhân hoặc trực thuộc các cơ quan tự quản địa phương. Ngoài ra, có khoảng 280 đảo chưa được xác định chủ sở hữu.
Theo dự kiến, sắp tới nội các Nhật Bản sẽ thông qua quyết định về đặt tên chính thức cho 158 hòn đảo vô chủ và không có tên trên bản đồ. Ngoài ra, những hòn đảo không có chủ sở hữu rõ ràng sẽ được đưa vào kế hoạch quốc hữu hóa.
Tokyo hy vọng rằng, việc làm này sẽ cho phép các cơ quan chức năng tăng cường hoạt động kiểm soát các cụm đảo thuộc hải phận ở xa trung tâm lãnh thổ, trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc đang ngày càng xấu đi do tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Được biết, việc đặt tên cho 158 đảo này là một phần trong kế hoạch quốc hữu hóa 280 hòn đảo xa bờ mà Tokyo xác định thuộc chủ quyền lãnh hải "không tranh cãi" của họ, nhằm tăng cường quản lý đối với những cụm đảo xa. Điều này đã từng được đề cập rõ ràng trong các tuyên bố của Bộ Chính sách đại dương và lãnh thổ Nhật Bản.
Bộ trưởng bộ này, ông Ichita Yamamoto cho biết trong một cuộc họp báo là những đảo này nằm trong số gần 500 hòn đảo xa bờ. Theo luật pháp Nhật Bản, 280 hòn đảo vô chủ này là tài sản của nhà nước và việc đăng ký chúng như vậy sẽ giúp chính phủ quản lý hiệu quả đối với những hòn đảo này.
Ông Ichita cho biết thêm là gần 100 trong số đảo này đã được đăng ký là tải sản quốc gia do chúng hình thành nên khu vực mà Nhật Bản xem là vùng kinh tế đặc quyền rộng lớn của họ. Trong các khu vực đó, Nhật Bản đang tiến hành các cuộc thăm dò hàng hải, địa chấn đáy biển và các hoạt động nghiên cứu khoa học đại dương khác.
Tuyên bố của Nhật Bản được đưa ra giữa lúc những tranh chấp lãnh thổ giữa nước này với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc ở khu vực Senkaku/Điếu Ngư và đảo Dokdo, cùng với việc Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thành lập “Vùng nhận dạng phòng không khu vực Đông Hải”, đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Hồi tháng 9-2012, chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc và đánh dấu một giai đoạn căng thẳng mới trong quan hệ Bắc Kinh-Tokyo. Vì vậy, qua hành động mới này của Nhật, có thể nhận thấy sóng gió lại sẽ tiếp tục nổi trên biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhiều lần lên tiếng một cách cứng rắn là, Nhật Bản có thể quốc hữu hóa bất kỳ hòn đảo nào chưa tuyên bố chủ quyền thuộc vùng biển của nước này, nhằm củng cố sức mạnh chủ quyền biển đảo và bảo vệ nguồn tài nguyên biển trên vùng đặc quyền kinh tế của mình.