Nhật Bản và bước đi lịch sử

ANTD.VN - Chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn thay "chiếc áo khoác" hiến pháp vốn đã trở nên quá chật chội với "cơ thể" lớn mạnh của nước Nhật để cường quốc này đóng vai trò lớn hơn ở khu vực và thế giới.

Thủ tướng Shinzo Abe đang muốn sửa đổi Hiến pháp để nước Nhật đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề an ninh khu vực và thế giới

Trong buổi họp của các nghị sĩ liên đảng ủng hộ cải cách Hiến pháp tại Thủ đô Tokyo ngày 1-5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định, năm nay là thời điểm thích hợp để thực hiện “một bước đi lịch sử” trong việc cải cách Hiến pháp hòa bình sau Chiến tranh thế giới thứ II của nước này. Tuyên bố của Thủ tướng Abe được không chỉ nước Nhật mà thế giới quan tâm bởi nó được đưa ra chỉ 2 ngày trước kỳ nghỉ lễ nhân Ngày Hiến pháp để kỷ niệm 70 năm ngày ra đời bản Hiến pháp của Nhật Bản.

Sau khi viện dẫn tình hình an ninh đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hiện nay là một trong những nhân tố dẫn đến việc sửa đổi đầu tiên đối với Hiến pháp Nhật Bản, Thủ tướng Abe kêu gọi tất cả các nghị sĩ ủng hộ sửa đổi Hiến pháp. Ông Abe nêu rõ, trong năm nay, Nhật Bản sẽ có bước đi lịch sử hướng tới mục đích lớn hơn của việc cải cách Hiến pháp, đồng thời cho rằng những người coi Hiến pháp là một văn bản không thể sửa đổi giờ chỉ còn nhóm thiểu số. 

Trong tuyên bố đưa ra ngày 1-5, Thủ tướng Abe không nói cụ thể về nội dung sửa đổi Hiến pháp nhưng từ lâu ai cũng biết ông Abe và Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền đã theo đuổi mục tiêu chính trị lớn là sửa đổi điều 9 Hiến pháp Nhật Bản. Điều 9 của Hiến pháp không cho phép Nhật Bản có quân đội với đầy đủ các quân chủng hải, lục, không quân; cũng như không cho phép nước này có quyền tham chiến.

Điều 9 cũng như bản Hiến pháp được gọi là “Hiến pháp Hoà bình” hay còn gọi là “Hiến pháp MacArthur” bởi bản Hiến pháp này do tướng Douglas MacArthur, Tư lệnh quân Mỹ tại Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ II, chủ trì soạn thảo nhằm loại bỏ nguy cơ tái xuất hiện của một nước Nhật quân phiệt. 70 năm trôi qua kể từ khi có hiệu lực năm 1947, Hiến pháp Nhật Bản đã trở thành rào cản không cho nước Nhật xây dựng một quân đội tương xứng với sức mạnh kinh tế.

Tuy nhiên, khi mà bối cảnh an ninh khu vực, đặc biệt là ở Đông Bắc Á, và thế giới ngày càng khác xa so với giai đoạn sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II, “Hiến pháp Hoà bình” dần trở thành “chiếc áo khoác” chật chội, hạn chế việc Nhật Bản tham gia đóng góp vào các vấn đề hoà bình và an ninh khu vực cũng như toàn cầu. “Chiếc áo” Hiến pháp càng chật thì tiếng nói và nhu cầu sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản, trong đó có điều 9, càng nhiều hơn.

Cũng theo Hiến pháp Nhật Bản, việc sửa đổi bất kỳ điều khoản nào cũng phải vượt qua hai "cửa ải": có sự ủng hộ của 2/3 số nghị sĩ ở cả hai viện Quốc hội và hơn 50% số người dân ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý. Sau chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử tháng 7-2016, liên minh cầm quyền của LDP và đảng Công minh mới (Komeito) hiện đang nắm giữ hơn 2/3 ghế tại Thượng viện, trong khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ người dân ủng hộ sửa Hiến pháp là trên 60%.

Song do sự nhạy cảm đặc biệt của vấn đề sửa đổi Hiến pháp nên Thủ tướng Abe và liên minh cầm quyền muốn vận động để có cả sự đồng thuận của các đảng đối lập. Cho dù có sự ủng hộ trong nước Nhật thì việc sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản còn vấp phải rào cản rất lớn từ quốc tế, đặc biệt là những nước từng là nạn nhân của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ II.