Nhân viên sân bay bị hành hung tăng, có phải do phản ứng của an ninh hàng không còn chậm?

ANTD.VN - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 162/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Theo đó, các hành vi đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không, hành khách trên tàu bay sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

An ninh hàng không phải bảo vệ nhiều mục tiêu ở sân bay

Về các vụ việc hành hung nhân viên hàng không xảy ra trong thời gian gần đây, ông Tô Tử Hùng, Phó trưởng phòng An ninh Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam thông tin, năm 2018, có 13 vụ là hành khách hoặc người qua đường đánh nhân viên hàng không đang làm nhiệm vụ hoặc đánh lẫn nhau.

Đó chưa kể khoảng 5-6 vụ hành khách hoặc người qua đường gây rối, dùng lời nói để cãi lộn, lăng mạ nhân viên đang làm nhiệm vụ. Con số này tăng thêm 3 vụ so với năm 2017.

Nhiều vụ hành hung nhân viên hàng không mang tính côn đồ, hung hãn, do đó, các đối tượng có hành vi này đều được bàn giao cho lực lượng Công an để điều tra, xác minh, xử lý nghiêm.

Ba nam thanh niên hành hung nữ nhân viên Vietjet tại sân bay Thọ Xuân đã bị cấm bay, đồng thời vụ việc đang được cơ quan Công an xử lý

Đề cập đến tốc độ cũng như phản ứng của lực lượng an ninh hàng không đối với một số vụ việc còn chậm, ông Hùng cho rằng, tại sân bay có rất nhiều mục tiêu mà lực lượng an ninh sân bay cần bảo vệ và cũng như kiểm soát.

Theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, có 3 loại nhân viên kiểm soát bao gồm nhân viên kiểm soát nhằm mục đích bảo vệ, tuần tra canh gác các vị trí khu vực công cộng sân bay; nhân viên an ninh cơ động là lực lượng chuyên nghiệp chuyên đối phó với các tình huống bạo động, bạo lực được trang bị công cụ hỗ trợ vũ khí, sẵn sàng ứng phó với các tình huống; nhân viên an ninh soi chiếu có vai trò dùng kỹ năng kỹ thuật phát hiện đồ vật nguy hiểm, nhiệm vụ được giới hạn ở khu vực soi chiếu.

“Do vậy, một số trường hợp nhân viên ngồi vị trí của họ mà không được ra chỗ khác ứng phó vì có thể do nhiệm vụ phân công. Tuy nhiên, theo quy định, mọi hành vi vi phạm xảy ra đều phải được tiến hành giảng bình và rút kinh nghiệm để tìm hiểu được nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục không để sự việc tương tự tái diễn”- ông Hùng nói.

Phản ứng kịp thời vụ nữ nhân viên Vietjet bị đánh!

Trả lời câu hỏi về việc lực lượng an ninh hàng không tại Cảng hàng không Thọ Xuân phản ứng chậm khi nữ nhân viên của Vietjet Air bị đánh, ông Hùng khẳng định, các đơn vị ngành hàng không đang tiến hành giảng bình để rút kinh nghiệm. Dưới góc độ chuyên môn, Cục đã mời các chuyên gia về an ninh cơ động để đánh giá tốc độ xử lý vụ việc này.

Qua xem lại trên băng ghi hình cho thấy, việc xử lý của lực lượng an ninh cơ động phù hợp, kịp thời khống chế đối tượng, không có ai bị thương, đồng thời bàn giao kịp thời cho lực lượng Công an.

Về việc dư luận nghi ngờ có sự e dè trong xử lý các đối tượng hành hung tại Cảng hàng không Thọ Xuân vừa qua vì có một đối tượng là con trai nguyên Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, ông Hùng cho rằng, ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ GTVT cũng như Công an tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc cho thấy sự quyết liệt chỉ đạo, làm rõ để người dân thấy rằng mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm minh. Không hề có chuyện bỏ qua hành vi côn đồ hành hung người yếu thế như vụ việc ở Cảng hàng không Thọ Xuân vừa qua.